Theo mục tiêu chiến lược của ngành cao su, đến năm 2010 phải phát triển 700.000 ha cao su trong cả nước và đến năm 2015, cả nước sẽ có một triệu ha cây cao su. Xét theo triển vọng cung cầu cao su tự nhiên thế giới, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong giai đoạn 200-2007, dự báo giai đoạn 2007-2010 phát triển xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể đạt tốc độ cao, khoảng 26%/năm, kim ngạch đạt 2.786 triệu USD vào năm 2010. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010-2015, do hạn chế về diện tích trồng cao su và giới hạn về khả năng tăng sản lượng nên dự báo tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại và đạt 12,5%/năm, đưa kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam lên 5.020 triệu USD vào năm 2015. Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, cấu trúc thị trường sẽ có sự thay đổi theo đặc điểm phát triển và tính chất tăng trưởng, do đó để phát triển xuất khẩu, ngành cao su Việt nam cần phải tái cấu trúc lại các sản phẩm và thị trường. Đây là giải pháp căn bản để đối phó với thị trường của một ngành cao su thực tế đã hội nhập quốc tế nhiều năm qua. Để tạo ra cơ cấu mới phù hợp với cấu trúc toàn diện thị trường nội địa và xuất khẩu, thị trường theo cơ cấu mặt hàng và thị trường theo nhu cầu nhập khẩu của các nước. Xu hướng tái cấu trúc phát triển thị trường phải lấy hiệu quả kinh tế làm trung tâm với đòn bẩy quyết định là công nghệ tiên tiến. Trong xuất khẩu, cao su Việt Nam cần phải tăng giá trị gia tăng, với cơ cấu mặt hàng mới nhằm giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, hướng tới các thị trường có giá trị gia tăng cao như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, hạn chế xuất khẩu thô. Trong giải pháp thị trường, một trong những cân đối quyết định sự phát triển bền vững là chính sách quy hoạch phát triển toàn diện ngành để có chiến lược cung ứng bền vững. (Vinanet)
|