-
TRANG CHỦ GIẢI THƯỞNG THƯ VIỆN ẢNH LIÊN HỆ
TIN TỨC >> TIN THƯỜNG NHẬT
Ngày đăng: 18/10/2010
Thị trường thép thế giới tuần 41/52 - Thép và cuộc chiến tiền tệ

Phương tây cáo buộc Trung Quốc vẫn chưa có động thái nâng tỉ giá Nhân dân tệ (NDT) dù trước đó chính quyền Hồ Cẩm Đào đã hứa hẹn thả nổi chính sách tiền tệ để đồng NDT linh hoạt hơn.

Việc thao túng tỉ giá của Trung Quốc với mục đích làm lợi cho nền kinh tế trong nước nhưng vô hình hủy hoại nền kinh tế nước khác và cản trở phục hồi kinh tế thế giới, Mỹ cáo buộc.

Liên minh châu Âu cũng đồng quan điểm với Mỹ và chỉ trích viêc neo đậu tỉ giá của Trung Quốc hòng đẩy mạnh xuất khẩu, là hành động tranh cướp thị trường và chính họ đang làm gương cho những nước khác noi theo.

Những kiện cáo của Mỹ và EU lên Quỹ tiền tệ IMF và Ngân hàng quốc tế WB đối với Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, mà đã bị tạt một gáo nước lạnh sau khi hàng loạt các nước khác ở khu vực châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Australia bắt đầu can thiệt ngăn chặn đồng tiền trong nước tăng giá. Điều này càng khiến mối quan hệ Mỹ - Trung – EU thêm phần căng thẳng.

 

Trước sự cáo buộc và những lời chỉ trích nặng nề từ phương tây, Trung Quốc vẫn khá điềm tĩnh vì cho rằng họ đang điều chỉnh dần dần tỉ giá. Nếu giá trị đồng NDT tăng quá nhanh sẽ gây bất ổn xã hội Trung Quốc, hệ lụy dẫn đến một thảm họa cho thế giới. 

Tổng giám đốc IMF - Dominique Strauss Kaln cảnh báo: “Việc một số nước dùng công cụ tỉ giá để giải quyết vấn đề trong nước là rất nguy hiểm vì có thể dẫn tới cuộc chiến tranh tiền tệ”.

Nếu phương tây tiến đến một án phạt đối với Trung Quốc bằng thương mại chắc chắn xuất khẩu của nước này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu thép vốn đang phải đối mặt với trừng phạt tăng thuế bán phá giá. Liệu trong thời gian tới phương tây sẽ tiến đến một giải pháp trừng phạt nào cho quốc sản xuất thép lớn nhất và rẻ nhất nếu như cả IMF và WB không thể thuyết phục họ tăng giá đồng tiền.

Tuần này, thị trường thép thế giới đã có sự phân hóa, với khu vực châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ khởi sắc hơn, bằng chứng là giá cả và nhu cầu đã tăng nhẹ, trong khi khu vực châu Âu, Mỹ và Trung Đông vẫn rơi vào vòng xoáy giảm giá.

Sự trở lại của Trung Quốc đã hâm nóng thị trường, nhưng sức lan tỏa vẫn chưa thể vươn đến các khu vực khác trên toàn thế giới mà chỉ khoanh vùng tại châu Á. Tuy nhiên giới chuyên môn không mấy lạc quan về triển vọng tương lai gần, tín hiệu tăng giá khá mong manh và nguy cơ đảo chiều không sớm thì muộn cũng xảy ra vào tuần tới hoặc tuần sau nữa. 

Thị trường thép châu Á

Thị trường châu Á tuần này diễn biến tích cực hơn so với tuần rồi do đồng loạt các nước trong khu vực giao dịch trở lại sau khi giảm hoăc tạm ngưng hồi tuần trước sau khi Trung Quốc nghỉ lễ. Với tín hiệu tích cực từ Trung Quốc, giá cả tại các nước châu Á cũng đồng loạt ăn theo.

Hàn Quốc

Đón nhận những tín hiệu lạc quan từ Trung Quốc, thị trường thép Hàn Quốc cũng chuyển động nhẹ. Tuy nhiên, dự báo triển vọng thị trường thép Trung Quốc khó duy trì đà tăng trong tuần tới hoạc tuần sau nữa, khiến giới kinh doanh và thương nhân Hàn Quốc dè dặt với chào giá ở cả trong nước lẫn nước ngoài.

Dù vậy, Hyundai Steel và Dongbu Steel vẫn là hai nhà sản xuất tiên phong quyết định nâng giá thép hình chữ H trong nước lên mức 920.000 Won/tấn (823 USD/tấn) do tác động từ giá nhập khẩu trong tháng 10 đã tăng 50.000 Won/tấn so với tháng 09 lên mức 830.000 Won/tấn (743 USD/tấn).

Kế đến là POSCO thông báo sẽ nâng sản lượng thép thêm 3 triệu tấn lên mức 36 triệu tấn vào năm tới.

Tuần tới, tín hiệu tăng giảm từ thị trường mới là yếu tố quyết định, Hàn Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường thép Trung Quốc và xu hướng phế liệu thế giới để quyết định cho giá bán trong nước và xuất khẩu.

Đài Loan

Tuần này, các nhà sản xuất thép cây của Đài Loan đã bất ngờ nhận được khá nhiều đơn đặt hàng trong nước. Nhiều nhà sản xuất đã phải ngưng nhận đơn đặt hàng do quá tải. Điều bất ngờ nữa là khách hàng chấp nhận mua với giá cao dù trước đó họ nằng nặc từ chối ở mức 18.000 Đài tệ/tấn (583 USD/tấn). Khả năng trong tuần tới giá sẽ được nâng lên 18.200-18.300 Đài tệ/tấn.

Hiện vẫn chưa thể lý giải được lý do nhu cầu tăng mạnh đến như vậy, nhưng theo nhận định của giới trong ngành là do giá thép xây dựng liên tục xuống thời gian gần đây dẫn đến giảm số lượng nắm giữ của các thương nhân. Sau khi một số người đặt hàng, những nhà kinh doanh khác sợ giá sẽ tăng dẫn đến đặt hàng dây chuyền ngay khi giá còn thấp.

Tuần này, giá thép không gỉ 300 series của Đài Loan cũng lên giá 3.000 Đài tệ/tấn (96,7 USD/tấn) sau khi Yieh United Steel Corp (Yusco) và Tang Eng Iron Works Co nâng giá xuất xưởng trong tháng 10

Sự phục hồi mạnh của giá nickel và ổn định trên mức 24.000 USD/tấn đang tạo ra làn sóng tăng giá thép không gỉ ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, không chỉ riêng Đài Loan.

Ấn Độ

Sự quan tâm lớn nhất của thị trường thép Ấn Độ là năng lực xuất khẩu quặng của nước này sang Trung Quốc. Tuần lễ trở lại đầu tiên sau lễ, các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu quặng từ Ấn Độ, đẩy giá tăng 7-8 USD/tấn so với tuần trước. Hiện Trung Quốc đang mua quặng 63.5%/63% Fe từ Ấn Độ với giá 156-158 USD/tấn cfr.

Gần đây, đồng nội tệ Rs của Ấn Độ tăng giá so với đồng USD, gây bất lợi cho giá thép trong nước, nhất là HRC vì giới thương nhân đã chuyển sang kinh doanh hàng nhập khẩu có giá rẻ hơn. Trong đó, HRC 2mm loại cán lại nhập từ Hàn Quốc nếu bán tại thị trường trong nước chỉ có 32.000 Rs/tấn (725 USD/tấn), còn hàng sản xuất trong nước giá là 34.000 Rs/tấn (770 USD/tấn).

Nếu như tỉ giá tiếp tục diễn biến có lợi cho đồng USD, thép trong nước sẽ không thể cạnh tranh, vấn đề tồn đọng hàng trong nước sớm muộn cũng xảy ra và tất nhiên sẽ là tin xấu cho thị trường.

Đông Nam Á

Tổng thể thị trường thép Đông Nam Á trong tuần trầm lắng hơn so với những khu vực châu Á khác, do tiêu thụ trong khu vực khá yếu.

Trước tình hình đó, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải hạ giá chào bán thép cây vào Singapore 10 USD/tấn còn 590-600 USD/tấn cfr. Trung Quốc cũng điều chỉnh giá thép cây có bonron vào nước này xuống 640-660 USD/tấn cfr. Tuy nhiên từ đầu tuần cho đến nay, vẫn không có đơn đặt hàng nào từ nước này.

Trong bối cảnh thị trường thép cây tại Đông Nam Á đang ế ẩm, mà các nước trong đó gồm Ukraina, Nga, Đài Loan và Hàn Quốc lại nâng giá chào bán phôi lên mức 560 USD/tấn cfr.

Sở dĩ có sự nâng giá này do nguồn cung phôi của CIS những tháng tới sẽ bị gián đoạn do rơi vào mùa đông, trong khi dự trữ của các nhà cán lại tại Đông Nam Á xuống thấp nên sẽ tăng cường dự trữ.

Indonesia đã nói, đầu ra của thép thành phẩm vẫn chậm dẫn đến hàng tồn trong quý Ba còn quá nhiều, mà Đài loan lẫn Hàn Quốc mấp mé tính đến chuyện nâng giá bán lên 570-580 USD/tấn cfr quả là điều phi lý.

Riêng tại Việt Nam

Nhiều chuyên gia trong nước đánh giá rằng Việt Nam đang lãng phí ngoại tệ với việc nhập khẩu phôi từ nước ngoài, trong khi nguồn cung trong nước ổn định và có giá rẻ hơn. Theo tính toán, nếu nhập khẩu phôi ở mức 560 USD/tấn cfr, tính tổng thể mọi chi phí thì giá là 13.000 đồng/kg, còn giá sản xuất trong nước là 12.200 đồng/kg.

Trong khi nhu cầu thép xây dựng của Việt Nam đã giảm nhiều, thì việc nhập khẩu phôi từ nước ngoài là không cần thiết và gây hại cho lượng tồn kho trong nước tăng lên.

Theo báo cáo từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong tháng 09 đạt 271.000 tấn, giảm 44,3% so với tháng 08 và giảm 5,7% so với tháng 09 năm 2009.

Liệu nhu cầu thép xây dựng có tăng vào nửa cuối tháng 10 do các công trình xây dựng sẽ hoạt động mạnh trong tháng 11 và tháng 12 để hoàn tất mục tiêu năm như ông Đinh Huy Tâm, chủ tịch VSA đã nhận định hay không, chúng ta hãy cùng chờ xem.

Thị trường thép CIS

Sau khi giá phôi xuất khẩu của CIS chạm xuống 500 USD/tấn fob, bắt đầu quay đầu hướng lên. Tại Biển Đen, phôi CIS được chào bán ở mức 530 USD/tấn fob do tin tưởng vào triển vọng các nhà nhập khẩu sẽ tăng cường mua vào trước khi mùa đông đến.

Mặc dù nâng giá phôi, nhưng CIS lại hạ giá chào bán HRC tại Biển Đen sau những nỗ lực nâng giá bất thành trong những tháng gần đây. Hiện giá của nhà sản xuất Magnitogorsk đã điều chỉnh xuống 610 USD/tấn fob, còn Novolipetsk thì đã khép lại các đơn đặt hàng tháng 11 với giá giao dịch cuối cùng 610-625 USD/tấn fob từ mức 650 USD/tấn fob trong tháng trước.

Bù lại, CIS sẽ nâng thép cuộn cán nguội CRC 90-110 USD/tấn.

Thị trường thép châu Âu

Tuần này, đồng USD đã trượt giảm so với EUR, khiến hàng nhập khẩu vào châu Âu rẻ hơn. Tuy nhiên các nước không dám nhập khẩu với khối lượng lớn do tình hình tiêu thụ trong khu vực không cải thiện. Hơn nữa, giới thương nhân cũng sợ rằng giá còn điều chỉnh giảm bởi đồng USD còn suy yếu.

Hiện thép cuộn cán nóng HRC nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Tây Ban Nha có giá 470-500 EUR/tấn (662-704 USD/tấn) cif, nhưng giá giao dịch cuối cùng cho đơn hàng giao vào giữa tháng 12 là 480 EUR/tấn cif

Nhập khẩu CRC từ Trung Quốc hiện cũng giảm xuống 560-590 EUR/tấn cif và HDG còn 590-600 EUR/tấn cif.

Thép cây tại châu Âu trong tuần này cũng rơi xuống 440-470 EUR/tấn do giới tiêu dùng trong khu vực vẫn đứng ngài lề thị trường. Hơn nữa, hiện tại châu Âu cũng không có nhiều dự án xây dựng nên không có nhu cầu.

Đại diện nhà sản xuất ở vùng Scandinavia than phiền rằng các nhà sản xuất ở tây bắc Âu đang bị lỗ do tình hình thị trường diễn biến xấu đi, trái ngược với kỳ vọng ban đầu của họ về lực mua sẽ tốt hơn sau lễ Ramadan.

Trước đó, các nhà sản xuất ở tây bắc Âu thông báo kế hoạch nâng giá thép tấm 30-40 EUR/tấn trong quý Tư, nhưng thị trường vẫn không có chuyển biến nào, giá cả vẫn giữ nguyên kể từ đầu tháng 09.

Hiện giá thép tấm S355 có giá xuất xưởng 700 EUR/tấn (970 USD/tấn) và thép tấm S235 có giá thấp hơn 30-40 EUR/tấn, nhưng khả năng giá sẽ điều chỉnh giảm thêm 30 EUR/tấn nếu như hàng từ khu vực nam Âu hay đông Âu tràn vào rẻ hơn.

Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhà sản xuất lớn nhất - Kardemir cũng giảm giá thép cây và phôi cho các hợp đồng đặt hàng mới bắt đầu từ ngày 12/10. Trong đó, thép cây xuất xưởng còn 826 TL/tấn (582 USD/tấn) từ mức 869 TL/tấn (613 USD/tấn) chưa thuế, còn nếu cộng cả thuế VAT 18%, giá sẽ là 975 TL/tấn. Phôi xuất xưởng cũng sẽ được điều chỉnh xuống 522-525 USD/tấn.

 (Satthep.net tổng hợp)

Các tin khác

Bản quyền thuộc về PITCO
CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU PETROLIMEX
Địa chỉ: 54-56, Đường Bùi Hữu Nghĩa, Phường 5, Quận 5, TP.HCM
Tel: 028 3838 3400 - Fax: 028 3838 3500
Email: pitco@pitco.com.vn - Web: www.pitco.com.vn
Thiết kế website bởi VCA Technology