Theo nguồn tin Reuters, Trung Quốc đang mua cao su kỳ hạn gần để làm đầy kho dự trữ, trong khi các hãng sản xuất lốp xe cũng sẽ mua trước khi giá tăng hơn nữa do nguồn cung ở Đông Nam Á khan hiếm.
Nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới, Trung Quốc, đã mua cao su SMR20 của Malaysia với giá khoảng 3,41 USD/kg vào cuối phiên giao dịch 15/9, trong khi Bridgestone Corp, hãng sản xuất lốp xe lớn nhất của Nhật, đã mua cao su RSS3 của Thái Lan với giá 3,48 USD/kg. Hãng Pháp Michelin cũng đã mua cao su trong tuần qua.
Một thương gia cho biết “Xuất khẩu cao su Indonexia tuần qua giảm sút. Nhiều khách hàng lớn đang cần mua, đó là các hãng sản xuất lốp xe Châu Á, Châu Âu và Mỹ.
Các thương gia Singapore, thường bán cao su cho Trung Quốc, đã mua cao su SIR20 với giá 150 US cent/lb (3,31 USD/kg). Giao dịch ở Indonexia vẫn chưa trở lại bình thường sau lễ hội hồi giáo Ed al-Fitr. Indonexia là nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới sau Thái Lan.
Trung Quốc đang có mặt trên thị trường để mua cao su sau khi dự trữ giảm 600 tấn xuống 25.220 tấn trong tuần qua so với một tuần trước, song các hãng sản xuất lốp xe của nước này chắc chắn sẽ vẫn chưa mua cao su Thái Lan.
Giá tham chiếu cao su RSS3 đã tăng 6% trong tháng qua sau khi mưa lớn làm hạn chế nguồn cung và do giá cao su Tokyo tăng bởi giá dầu tăng.
Giá chào bán cao su RSS3 trong ngày 15/9 là 3,50 USD/kg, gần chạm mức kỷ lục cao 4,10 USD/kg như đã đạt được hồi tháng 4, khi hạn hán trầm trọng ảnh hưởng tới Thái Lan. Các loại cao su khác giá cũng tăng trong tuần qua.
Một thương gia ở Singapore cho biết Trung Quốc hiện rất thiếu cao su, nên họ đang ráo riết tìm mua hàng giao ngay. Họ thích mua các hợp đồng kỳ hạn tháng 10. Giá cao su SMR20 ngày 16/9 là 3,415 USD/kg.
Bán lẻ ô tô ở Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua dã tăng 59,3% so với cùng tháng năm ngoái, lên 977.300 chiếc, sau khi trì trệ trong những tháng hè, chủ yếu nhờ chương trình trợ cấp của Bắc Kinh đố với những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu.
Ngoài Michelin và Bridgestone, Goodyear Tire & Rubber, hãng sản xuất lốp xe lớn nhất của Mỹ, cũng đang săn tìm cao su Indonexia. Giá cao su Indonexia đã tăng trên 7% trong tháng qua do thời tiết khô hạn ở đảo Sumatra – khu vực trồng cao su chính của nước này.
Theo Tập đoàn Nghiên cứu Cao su Quốc tế, nhu cầu cao su thế giới dự kiến sẽ đạt 13,3 triệu tấn trong năm 2010, tăng 114.000 tấn so với dự báo trước đây.
Sản lượng cao su thiên nhiên Ấn Độ trong tháng 8 năm 2010 đạt tới 72.500 tấn cao hơn với cùng kỳ năm ngoái 12% do diện tích khu trồng cao su được bảo vệ tốt. Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2010, sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ tăng lên 297.000 tấn so với mức 274.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cao su thiên nhiên 8 tháng đầu năm 2010 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái bởi những nhân tố tác động sau: Tăng diện tích trồng cao su được bảo vệ bằng các biện pháp kỹ thuật tốt, thời tiết thuận lợi và giá hấp dẫn khiến nông dân trồng cao su nhiều hơn.
Tuy nhiên tiêu thụ cao su thiên nhiên trong tháng 9 năm 2010 giảm nhẹ còn 79.000 tấn so với mức 79.750 tấn năm ngoái. Điều này không thực sự đáng lo ngại vì thực tế tiêu thụ cao su trong 5 tháng đầu năm 2010 tại nước này đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2010, Ấn Độ tiêu thụ khoảng 390.000 tấn cao su thiên nhiên so với mức 377.000 tấn của năm ngoái. Việc tăng tiêu thụ cao su thiên nhiên tại Ấn Độ chủ yếu diễn ra trong ngành sản xuất săm lốp để phục vụ ngành sản xuất ô tô trong nước và xuất khẩu.
Theo ước tính của Ủy ban Cao Su Ấn Độ thị năm tài khóa này tính từ tháng 4 năm 2010 cho đến tháng 3 năm 2011, Ấn Độ sẽ sản xuất khoảng 893.000 tấn cao su trong khi cầu ước đạt 978.000 tấn. Như vậy, sản lượng sẽ tăng khoảng 7,5% so với năm ngoái nhờ thời tiết thuận lợi và thu hoạch tốt từ những vùng phát triển trọng điểm.
Theo ông Toms Joseph, Chuyên gia kinh tế tại Ủy Ban Cao Su Ấn Độ cho biết tại hội nghị thường niên của Hiệp hội trồng trọt miền Nam Ấn Độ, tiêu thụ cao su nội địa đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong mùa vụ năm nay, “ tiêu thụ trong nước dự kiến sẽ đạt khoảng 978.000 tấn, tăng 5% so với năm ngoái”.
Do sự tăng mạnh của tiêu dùng nội địa, nhập khẩu cao su cũng sẽ cho thấy xu hướng tăng.
Một quan chức của Ủy ban Cao su cho biết, “Theo ước tính gần đây, 70.000 tấn cao su được nhập khẩu là sự gia tăng do nhu cầu trong nước cao. Trong thời gian tới, giá vẫn được duy trì ở mức hiện tại”.
Theo Ủy ban Cao su Ấn Độ, sự hồi phục kinh tế toàn cầu, dự án tăng trưởng cao ở châu Á, thời tiết thất thường ở các vùng sản xuất lớn dự kiến sẽ hỗ trợ về giá trong thời gian tới. Hơn nữa, quy mô tái trồng trọt lớn, lượng hàng tồn kho thấp và tỷ giá tiền tệ ổn định sẽ giữ giá ở mức độ hiện nay. Tuy nhiên, giá trị đồng nhân dân tệ tăng và sự suy yếu của đồng đô la có thể sẽ làm giảm sức ép về giá.
(Vinanet)
|