Tăng vọt vào đầu năm rồi đột ngột giảm trong tháng 5 và 6-2010, từ tháng 7 trở lại đây giá thép đã liên tục tăng với mức tăng trên dưới 1 triệu đồng/tấn và đủng đỉnh dừng lại. Tuy nhiên thị trường thép được dự báo sẽ diễn biến rất khó lường.
Trở lại cơn sốt thép đầu năm, vào thời gian đó giá phôi thép trên thế giới ở mức khá cao, khoảng 670-690 USD/tấn, thép phế 480-500 USD/tấn. Cùng với với việc tăng giá điện, giá xăng dầu đã khiến giá thép tăng mạnh.
Giá thép luôn tiềm ẩn sự bất ổn
Sang tháng 5 và 6 lượng tiêu thụ thép đột ngột giảm mạnh, nhiều DN vì lý do tài chính buộc phải bán thép dưới giá thành sản xuất từ 1-1,3 triệu đồng tấn (giá thành sản xuất bình quân khoảng 12,5 triệu đồng/tấn). Các đại lý cũng đồng loạt “xả” hàng để tháo vốn nên giá thép đi xuống.
Tuy nhiên đầu tháng 7 giá thép bắt đầu đi lên với mức độ tăng khá mạnh. Hiện giá thép giao tại nhà máy (chưa tính thuế VAT và chiết khấu) đang dao động ở mức từ 12,4-13,3 triệu đồng/tấn, còn giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường có giá 14,2-14,4 triệu đồng/tấn.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu đẩy giá thép lên là do vào thời điểm này, giá phôi thép trên thị trường thế giới sau một thời gian giảm xuống dưới 500 USD/tấn, bắt đầu tăng trở lại và đứng ở mức 570- 590 USD/tấn. Thép phế cũng tăng lên mức 490- 510 USD/tấn. Tiếp đến, lượng thép tồn kho của các nhà phân phối sang tháng 7 cũng đã cạn dần, buộc họ phải nhập hàng khiến nhu cầu tăng lên, cùng với đó, giá thép đã tăng theo.
Ông Nghi cho biết, với mức giá tăng như hiện nay các DN sản xuất mới hòa vốn, hoặc có lãi chút ít bởi 2 tháng trước, tình hình tiêu thụ thép ảm đạm, để kích cầu thị trường các DN đã chấp nhận lỗ, giảm giá bán dưới giá thành sản xuất, ở mức 11,3 triệu đồng/tấn để quay vòng đồng vốn. Với mức tăng giá thép như hiện nay là hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho DN nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận được và là mức giá thật của thị trường.
Những năm trước đây, ngành thép Việt Nam phải phụ thuộc tới 60% - 70% phôi thép nhập khẩu, nhưng từ năm 2008 nguồn phôi sản xuất trong nước đã chủ động được 50% và năm 2009 tỷ lệ này nâng lên gần 60%. Tuy nhiên hễ thị trường phôi thép thế giới rục rịch tăng là các DN sản xuất thép trong nước đã tăng giá ào ào. Đó là điều khó có thể chấp nhận.
Ngành thép có nhiều nhà máy nhưng 20% trong số này đang sử dụng công nghệ rất lạc hậu, trên 50% số nhà máy có công nghệ ở mức trung bình. Đây chính là lý do khiến giá thành sản xuất của thép trong nước vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, dù chất lượng ngang nhau. Và đó là nguyên nhân chính để thép ngoại tràn vào làm điên đảo các DN sản xuất thép trong nước.
Nhận định về mức tiêu thụ và giá thép trong thời gian tới, ông Nghi cho biết, tháng 8, do tình hình mưa bão có nhiều diễn biến phức tạp, nên theo dự báo chắc lượng tiêu thụ sẽ giảm hơn trong tháng 7 vừa qua (chỉ khoảng 350-400 nghìn tấn). Giá bán sẽ giữ như mức hiện nay chứ khó điều chỉnh tăng hay giảm. Sang tháng 9, lượng tiêu thụ sẽ tăng hơn và giá bán có thể tiếp tục tăng.
Theo ông Nghi thép là mặt hàng rất khó dự báo giá trong dài hạn, đặc biệt trong tình hình hiện nay phần lớn phôi thép nước ta vẫn phải nhập khẩu và lượng thép phế phải nhập là 47%. Do đó, nếu tới đây giá thế giới có biến động mạnh thì giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo. Như vậy giá thép vẫn như bao năm là cuộc “đánh vật” giữa người tiêu dùng với các nhà sản xuất trong nước, các nhà sản xuất trong nước “đánh vật” với giá phôi thép thế giới. Và bao giờ cũng vậy, phần thua luôn là người tiêu dùng.
|