Sau khi tăng giá vào tháng 7, giá thép hiện được bán tại các nhà máy, chưa bao gồm VAT ở mức 12,5 - 13 triệu đồng mỗi tấn. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội thép (VSA) nhận định, tháng 8 do biến động mưa bão, ít công trình xây dựng nên giá thép sẽ không biến động nhiều. Thêm vào đó, do phải cạnh tranh với các công ty ngoại nên doanh nghiệp nội không thể tùy tiện tăng giá bán
Tháng 8, VSA dự báo lượng tiêu thụ sẽ giảm hơn trong tháng 7. Nếu như tháng trước, lượng tiêu thụ thép dao động quanh mức 360.000 - 390.000 tấn, tháng 8, con số này chỉ còn khoảng trên dưới 350.000 tấn. "Tuy nhiên, bước sang tháng 9, lượng tiêu thụ sẽ tăng và kéo theo đó, giá bán có thể tăng theo", ông Nghi nói.
Cũng theo ông Nghi, thép là mặt hàng rất khó dự báo giá trong dài hạn. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, lượng phôi và thép phế phải nhập khẩu lần lượt là 70% và 47%. Nếu trong thời gian tới, giá thế giới biến động mạnh thì thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo.
Trước đó, sau 4 lần giảm giá liên tiếp trong 2 tháng gần đây, giá thép trong tháng 7 đã tăng dao đồng trong khoảng 100.000-500.000 đồng. Ông Nguyễn Tiến Nghi lý giải, nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá thép tăng do phôi và thép phế trên thế giới đang nhích dần. Theo đó, phôi thép từ 500 USD lên tới 560 USD mỗi tấn. Thép phế cũng tăng từ 350 USD lên 380 USD. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp nội địa buộc phải tăng giá bán.
Theo Bách Hợp
VnExpress
|