Vai trò nông nghiệp cần tầm nhìn mới
Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2010 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam trong bối cảnh mấy năm vừa qua thế giới chứng kiến sự tăng giá đột biến của nhiều loại nông sản, nhất là lương thực. Bên cạnh nỗi lo về cạn kiện nhiên liệu hóa thạch, loài người phải tính đến sự thiếu hụt về lương thực trong tương lai khi quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm giảm đi đáng kể nguồn đất, nước, lao động và các tài nguyên khác của sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, trong các ngày 6 - 7/6 năm 2010, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dành ra một số phiên họp chuyên đề để bàn về "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp".
Phiên thứ nhất có tiêu đề: "Mở rộng điển hình nông nghiệp vững bền ở Việt Nam", phiên thứ hai có tiêu đề "Xác định chương trình để tăng trưởng nông nghiệp vững bền ở Đông Nam Á" và phiên thứ ba có tiêu đề "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp Đông Nam Á".
Hai phiên họp đầu diễn ra với sự thảo luận của các doanh nghiệp, các tập đoàn xuyên quốc gia kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với đại diện của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của một số nước trong khu vực.
Phiên thứ ba là phiên họp mở với sự tham gia của các đại biểu chính thức tham dự diễn đàn và giới truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam Cao Đức Phát tham gia với tư cách là đồng chủ tọa của cả ba phiên họp.
Trong các phiên họp này, nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi đã xoay quanh các chủ đề: "Đâu là cơ hội và thách thức của nền nông nghiệp tương lai?", "Làm thế nào để vượt qua khó khăn hiện nay để xây dựng một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh cao?", "Làm thế nào để hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ có thể tham gia và được hưởng lợi từ thị trường toàn cầu?", "Làm thế nào phát triển vững bền trước những thách thức của thiên tai và biến đổi khí hậu?".
Những bài học của thế giới
Các nhà doanh nhân hàng đầu của các công ty đa quốc gia như Bunge Ltd, DuPont Ltd, Monsanto, Pepsi, Metro, Nestle, Syngenta, Unilever,... đã đưa đến diễn đàn các bài học kinh nghiệm, các mô hình phát triển, các sáng kiến của hàng ngàn các chi nhánh đại diện của họ trên khắp thế giới làm việc trên nhiều lĩnh vực từ công nghiệp chế biến đến hệ thống phân phối sang các đồn điền sản xuất hàng hóa, các ngân hàng đầu tư.
Đại diện cho các nhà quản lý nhà nước là lãnh đạo ngành nông nghiệp của Việt Nam, Lào, Philippin, Thái Lan, Hàn Quốc đem đến diễn đàn thực tế quản lý, quy hoạch, xây dựng chính sách và chiến lược của các quốc gia với trình độ và điều kiện phát triển rất khác nhau. Nhưng tinh thần bao trùm từ các cuộc thảo luận chung là thái độ quyết tâm phối hợp hành động giữa các doanh nghiệp quốc tế và các nhà hoạch định chính sách.
Để có thể phối hợp hành động trong cơ chế thị trường phải xác định cho được lợi thế so sánh của các ngành hàng, của các vùng sinh thái để tập trung đầu tư một cách hiệu quả. Ý kiến khá thống nhất là cần xây dựng cơ chế để phối hợp nghiên cứu xác định các triển vọng phát triển này.
Một đề xuất khác cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ là tạo lập một cơ chế đối thoại chính sách để trao đổi thông tin nhằm xây dựng được khung chính sách phù hợp tạo ra động lực cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào quá trình phát triển. Trên cơ sở đó, khuyến khích thử nghiệm các sáng kiến về đầu tư và kinh doanh nhằm gắn kết đông đảo nông dân với thị trường, hình thành sự đồng bộ trong chuỗi giá trị hàng hóa, giảm thiểu chi phí giao dịch, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản tạo thu nhập và việc làm cho cư dân nông thôn.
Lực đẩy cho nông nghiệp Việt Nam
Từ tình trạng ăn đong sống nhờ vào viện trợ, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng chiếm thị phần quan trọng trên trị trường thế giới. Thành công đó có được là nhờ sự cố gắng phi thường của đông đảo người sản xuất kinh doanh Việt Nam và những chính sách phù hợp, trong đó chính sách tự do hóa thương mại và trao quyền cho nông dân đóng vai trò quan trọng.
Sau một giai đoạn tăng trưởng khá nhanh nhờ khai thác sức lao động, huy động tài nguyên và vật tư, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với tồn tại đang kìm hãm phát triển mang tính "đột phá" về chất và đón cơ hội tạo bước ngoặt mới.
Mặc dù một phần lớn nông sản hàng hóa được dành cho xuất khẩu nhưng người sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa gắn bó với thị trường một cách hiệu quả. Giữa hàng chục triệu người sản xuất nông nghiệp với hàng tỷ người tiêu dùng trong và ngoài nước vẫn là một khoảng trống, ở đó vài vạn người buôn bán tiểu thương họat động một cách riêng rẽ và thiếu chuyên nghiệp.
Mối lo sản xuất mà không bán được hàng, tình trạng thay đổi cây trồng, vật nuôi diễn ra liên tục đe dọa người sản xuất. Đối với người tiêu dùng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và độ đồng đều của nông sản luôn là mối băn khoăn hàng đầu.
Hàng Việt Nam đi ra quốc tế với khối lượng lớn nhưng giá trị thấp. Công sức và nhiệt huyết của người nông dân không được xác nhận bằng các thương hiệu và giá cả xứng đáng. Thực tế cho thấy, yếu kém về kinh doanh buôn bán đang trở thành yếu tố hạn chế cản trở sản xuất phát triển. Nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng nếu không mở rộng đwojc xuất khẩu và cải thiện thị trường trong nước.
Kể từ năm 2000 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam phát triển rất mạnh, phối hợp với làn sóng đầu tư nước ngoài tăng nhanh đã làm khởi sắc họat động đầu tư và kinh doanh của kinh tế cả nước.
Tuy nhiên, ngược với bức tranh tươi sáng trên, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hầu như không đáng kể. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy: cả nước mới có 47 nghìn doanh nghiệp nông thôn, chiếm 30% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Chính vì vậy, cơ cấu kinh tế nông thôn vẫn mang tính thuần nông, người nông dân muốn tìm được việc làm và tăng thu nhập phải rời bỏ quê hương đi lên thành phố và các khu công nghiệp. Nông thôn Việt Nam không thể phát triển nếu các doanh nghiệp không đầu tư về nông thôn, 70% dân số cả nước sống ở nông thôn sẽ không cơ cơ hội hưởng thụ và tham gia vào quá trình phát triển kinh tế chung nếu chỉ quẩn quanh trong sản xuất nông nghiệp.
Nhằm đi đến một kế hoạch hành động cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã bàn với một số nhà đầu tư và kinh doanh là đối tác của ngành hàng tiêu dùng được tuyển chọn trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới hình thành một nhóm làm việc để tiếp tục thảo luận và triển khai những họat động cụ thể để đưa những sáng kiến trên vào áp dụng trong thực tế trong thời gian tới. Đây sẽ là những bước đi thiết thực để đóng góp vào sáng kiến "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Việt Nam đã làm khá tốt việc phát triển sản xuất nông nghiệp trong 25 năm đổi mới vừa qua. Nếu làm tốt việc phát triển kinh doanh nông sản trong thời gian tới thì triển vọng phát triển nông nghiệp hiện đại nông thôn giàu đẹp sẽ trở thành thực tế.
Để nắm bắt được cơ hội to lớn này, bên cạnh sự nhiệt tình và tính toán hợp lý của các tập đoàn đa quốc gia, phải là sự chủ động và khôn ngoan của đông đảo bà con nông dân, sự tham gia tích cực và hiệu quả của giới doanh nhân trong nước, sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp chính quyền và sự phối hợp toàn diện của các nhà khoa học, giới truyền thông, đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Phải chăng đã đến lúc biến nhận định "lợi thế chính của Việt Nam là lao động và nông nghiệp" của chuyên gia nổi tiếng của Havard Michael E. Porter thành hiện thực?