Chuyên gia kinh tế Hw McKay thuộcWestpac Banking Corp cho rằng, iá các kim loại cơ bản sẽ tăng mạnh trong năm nay, mạnh hơn cả mức tăng của giá vàng trong năm ngoái. Tuy nhiên ông không đưa ra mức dự báo cụ thể cho giá kim loại cơ bản. Theo ông, giá vàng khó có thể giảm xuống dưới 1.000 USD/ounce trong năm nay nhưng có khả năng vượt xa mức 1.100 USD/ounce hiện tại. “Tôi cho rằng mức 1.000 USD/ounce sẽ là mức giá sàn của thị trường vàng”. Ông McKay còn nhận định đồng đô la Australia (AUD) sẽ bắt kịp đồng đô la của Mỹ về giá trị.
Chì: Sản lượng thế giới sẽ tăng 5,1% trong năm 2010
Tập đoàn Nghiên cứu Chì và Kẽm Quốc tế(ILDZSG)dự báo thị trường chì thế giới sẽ chỉ dư không quá 100.000 tấn trong năm nay. Sản lượng sẽ tăng 7,5% trong năm nay lên 9,41 triệu tấn, trong khi nhu cầu sẽ tăng 7,3% lên 9,31 triệu tấn. Sản lượng tăng sẽ đến từ các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico, trong khi tiêu thụ tăng chủ yếu bởi sự phát triển của ngành sản xuất ắc quy, ô tô và xe đạp điện taị Trung Quốc tăng mạnh. Sản lượng chì của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng khoảng 11,9% trong năm 2010. Tại Brazil và Ấn Độ, nhiều mỏ mới cũng đi vào khai thác.
Đồng: Cung giảm cầu tăng sẽ khiến giá tăng trong năm nay
Bank of America Merrill Lynch nhận định sự thiếu hụt quặng đồng trong khi nhu cầu tăng mạnh và việc tăng cường dự trữ đồng của các quỹ hàng hoá sẽ giúp giá kim loại đỏ tăng trong năm nay.
Bank of America cho rằng, giá đồng năm 2010 sẽ đạt trung bình 7.275 USD/tấn, cao hơn so với mức 7.125 USD/tấn mà ngân hàng này dự báo hồi tháng 1. Ngân hàng dự báo giá đồng năm 2011 sẽ đạt trung bình 8.000 USD/tấn.
Ngoài ra, Bank of America còn nhận định, kinh tế toàn cầu hồi phục sau suy thoái sẽ giúp nhu cầu các kim loại công nghiệp tăng mạnh và thế giới sẽ chứng kiến sự thiếu hụt kim loại và tất nhiên giá sẽ tăng cao.
Vào tháng 4/2010, giá đồng tại London đã vượt 8000 USD/tấn. Ngày 13/4, giá đồng tại Singapore là 7.890 USD/tấn. Giá đồng đã tăng gấp hơn 2 lần trong năm 2009 nhờ gói kích thích kinh tế và dự trữ quốc gia của Trung Quốc. Năm nay kinh tế nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 10%, góp phần lớn vào tăng trưởng 3% của toàn thế giới.
Đồng được sử dụng chủ yếu trong ngành ô tô và các thiết bị, từ chế tạo dụng cụ cho đến xây dựng. Khi kinh tế phát triển thì nhu cầu đồng ngày càng cao. Các nhà phân tích tin rằng giá đồng cao do nguồn cung cấp khan hàng. Tập đoàn đồng quốc tế cho biết đồng tinh luyện sử dụng cho tiêu dùng trên thế giới vào tháng 1 năm nay là 60.000 tấn, thiếu 25.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nguồn tin Bloomberg dẫn dự báo của công ty CRU International Ltd., tiêu thụ đồng kim loại ở Trung Quốc - nước tiêu thụ lớn nhất thế giới – có thể tăng 14% trong năm nay do kinh tế hồi phục mạnh. Năm 2009, tiêu thụ đồng của nước này đạt 5,94 triệu tấn, tăng hơn 20%. Khả năng phá giá đồng Nhân dân tệ trong năm nay cũng sẽ không có ảnh hưởng lớn tới xu hướng tăng này.
Nhập khẩu đồng và sản phẩm đồng vào Trung Quốc đã tăng lên 1,07 triệu tấn trong quý I năm nay, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn 51% so với quý I/2008.
Dự trữ đồng tại sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã tăng gấp hơn 9 lần trong năm qua, và tính tới giữa tháng 4 đạt 169.538 tấn, mức cao nhất kể từ 2003. Năm vừa qua, nhập khẩu đồng vào Trung Quốc đạt mức kỷ lục cao.
Kẽm: Thế giới có thể thừa 418.000 tấn trong năm 2010
Theo nhận định mới nhất của Nhóm Nghiên cứu Kẽm và Chì Quốc tế (ILZSG), thị trường kẽm thế giới có thẻ dư thừa 418.000 tấn trong năm nay.
Tại cuộc họp của tổ chức này hồi tháng 10 năm ngoái, ILZSG nhận định thế giơi sẽ thừa 227.000 tấn kẽm trong năm 2010.
Tổ chức này cho rằng, sự hoạt động trở lại của các mỏ kẽm - đã phải đóng cửa hoặc giới hạn sản xuất trong năm ngoái - ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giúp sản lượng kẽm tinh chế toàn cầu tăng 10,3% trong năm nay lên 12,46 triệu tấn. ILZSG dự kiến, sản lượng kẽm của các mỏ sẽ tăng 6,3% trong năm nay, lên 12,05 triệu tấn.
Nhu cầu kẽm thế giới trong khi đó tăng 11,3% lên 12,05 triệu tấn. Tiêu thụ tại các nước châu Âu sẽ tăng 21,6%, sau khi tăng 24,5% trong năm ngoái. Tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tăng 8,9% nhờ lĩnh vực xây dựng và ôtô tăng trưởng mạnh.
Trung Quốc - quốc gia sản xuất kẽm lớn nhất thế giới - sẽ nhập khẩu quặng và kẽm tinh luyện nhiều hơn trong năm nay so với năm ngoái do nhu cầu tăng.
Ông Li Xialin, phó giám đốc công ty Shenzhen Zhongjin Lingnan Nonfemet Co., nhận định, nhập khẩu kẽm vào Trung Quốc năm nay sẽ vượt 1,9 triệu tấn, tuy nhiên ông từ chối đưa ra con số dự báo chi tiết. Ông Li cũng đưa ra dự báo công suất của các nhà máy kẽm Trung Quốc sẽ tăng thêm 500.000 tấn trong năm nay và sẽ 600.000 tấn nữa trong năm 2011. Tính đến cuối năm 2009, tổng công suất của các nhà máy sản xuất kẽm Trung Quốc đạt 5 triệu tấn.
Sản lượng kẽm của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ và sản xuất kẽm lớn nhất thế giới, đã tăng ấn tượng trong quý 1 năm nay nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, với tốc độ cao nhất trong 3 năm qua. Số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, sản lượng kẽm trong 3 tháng đầu năm tăng 37% đạt 1,17 triệu tấn.
Niken: Giá sẽ đạt trung bình 22.800 USD/tấn trong năm nay
Các nhà phân tích thuộc Societe Generale dự đoán giá niken tại LME sẽ đạt trung bình 22.800 USD/tấn trong năm nay, so với mức 14.721 USD/tấn của năm ngoái.
Trong quý I năm nay, giá niken đã tăng 20% - là kim loại có mức tăng tốt nhất trong số các kim loại giao dịch tại LME. Nguyên nhân là do nguồn cung giảm bởi cuộc đình công ở Canađa và vấn đề sản lượng ở nhà máy sản xuất niken của BHP Billiton tại Kwinana, Australia.
Các công ty tư vấn về kim loại cho rằng, thị trường niken sẽ đạt 1,4 triệu tấn trong năm nay và thiếu hụt khoảng 10.000 tấn. Đây là lần đầu tiên trong 4 năm trở lại đây cung không đủ cầu niken.
Hồi đầu năm, Reuters cũng tiến hành một cuộc khảo sát với 57 nhà phân tích, họ dự đoán giá niken sẽ đạt trung bình 18.815 USD/tấn trong năm nay.
Hiện các nhà máy thép không gỉ tiêu thụ 2/3 tổng nhu cầu niken toàn cầu.
Thiếc: Giá sẽ ở dưới 18.000 USD/tấn trong năm nay
Giá thiếc trên thị trường thế giới sẽ khó vượt 18.000 USD/tấn trong năm nay do nhu cầu tăng chậm tại Mỹ bất chấp nguồn cung giảm tại Indonesia.
Persang Bavaadam, giám đốc công ty Persang Alloy Industries của Ấn Độ nhận định “Tôi không hy vọng giá sẽ tăng trên 18.000 USD/tấn trong năm nay. Nhu cầu không nhiều. Mỹ là nước nhập khẩu thiếc lớn nhất thế giới, nhưng do nhu cầu tăng chậm nên giá không tăng mặc dù cung giảm”.
Indonesia, quốc gia xuất khẩu thiếc lớn nhất thế giới cho biết sản lượng thiếc sẽ giảm khoảng 50% trong năm nay tại các đảo khai thác thiếc quan trọng thuộc Bangka-Belitung do có các luật về khai thác khoáng sản mới được thi hành.
Giá kim loại được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp đóng gói thực phẩm và các sản phẩm hàn điện, đã tăng 58% trong năm 2009. Ông Bavaadam dù vậy vẫn nhận định nhu cầu thiếc sẽ tăng trưởng tốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.
Quặng sắt: Gía sẽ tăng trong quý 3
Giá quặng sắt giao kỳ hạn sản xuất tại Australia có thể sẽ tăng thêm 32% trong quý 3 năm nay so với quý 2.
Giá quặng sắt giao kỳ hạn sản xuất tại Australia có thể sẽ tăng thêm 32% trong quý 3 năm nay so với quý 2.
Theo tin từ Thời báo Kim loại Nhật Bản, giá quặng sắt có thể đạt 158 USD/tấn trong quý bắt đầu từ tháng 7 năm nay, theo như phương pháp tính toán đã đưa ra của các nhà sản xuất BHP Billiton Ltd và Rio Tinto.
Trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, giá quặng ở mức 120 USD/tấn.
Sự tính toán nói trên của 2 hãng cung cấp quặng hàng đầu thế giới dựa trên giá trung bình của quặng sắt giao ngay trong giai đoạn 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5. Họ dự kiến giá quặng sẽ duy trì ở mức hiện tại cho đến tận cuối tháng này.
Nếu giá đứng ở 158 USD/tấn trong quý tới thì quặng sắt đã tăng gấp 2,6 lần so với giá trung bình trong tài khoá kết thúc vào tháng 3 vừa qua.
Thép: Nhu cầu thế giới sẽ tăng 11% trong năm nay
Chủ tịch Hiệp hội Thép Thế giới, ông Paolo Rocca nhận định nhu cầu thép trên thế giới sẽ tăng 11% trong năm nay nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục.
Phát biểu tại một sự kiện của ngành thép tại Mexico, ông Rocca cho biết nhu cầu thép ở khu vực Bắc Mỹ sẽ giúp cải thiện nhu cầu cho toàn cầu.
Trong vài tháng trở lại đây, các nhà sản xuất thép trên thế giới đã nâng cao công suất hoạt động trở lại sau khi kinh tế đã thoát suy thoái và trong triển vọng nhu cầu sẽ tăng cao trong năm nay.
Tại Mexico, các công ty thép nước này cho biết có thể đầu tư 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để nâng công suất hoạt động lên 10 triệu tấn.
Mexico sản xuất 22 triệu tấn thép mỗi năm, nhưng trong năm 2009 chỉ đạt 14 triệu tấn do ngành thép lún sâu vào khủng hoảng.
Vàng: Sẽ dao động trong biên độ lớn
Goldman Sachs mới đây đã điều chỉnh giảm dự báo giá vàng năm 2010 xuống còn 1.165 USD/oz, so với 1.265 USD/oz đưa ra trước đó do việc tăng lãi suất thực ở các nước, nhưng hy vọng giá sẽ lập kỷ lục mới trong năm tới. Ngân hàng này giảm dự báo giá vàng trung bình năm 2011 sẽ đạt 1.350 USD/oz, thấp hơn so với mức 1.425 USD/oz đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Mức này tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều so với kỷ lục 1.226,10 USD/oz hiện nay. “Chúng tôi hy vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng từ mức hiện tại vì các nước sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp và chính phủ Mỹ còn duy trì các chính sách tiền tệ như hiện nay”, ngân hàng nói. “Thông tin Fed có thể nâng lãi suất bởi các hoạt động kinh tế hồi phục mạn có thể kìm hãm đà tăng cả giá vàng như chúng ta từng kỳ vọng”, ngân hàng cho biết thêm. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng Fed dù có tăng lãi suất nhưng sẽ giảm trở lại vào cuối năm nay. Triển vọng trong trung hạn, Goldman Sachs dự đoán giá vàng sẽ ở lần lượt 1.155 USD, 1.220 USD và 1.320 USD trong 3, 6 và 12 tháng tới.
Lạc quan hơn, Công ty tư vấn toàn cầu Merrill Lynch cho rằng giá vàng có khả năng tăng lên mức 1.500$/oz trong năm 2010. Theo nhận định của chuyên gia phân tích Bill O"Neill thuộc Quỹ đầu tư Merrill Lynch Wealth Management, những rủi ro về tín dụng ngày càng tăng cao, giá cả hàng hóa leo thang và sự suy yếu của đồng bạc xanh sẽ là những yếu tố cơ bản hỗ trợ giá vàng tăng mạnh. Ông O"Neill cho biết, “mặc dù giá vàng có thể biến động giảm trong ngắn hạn, tuy nhiên, xu hướng dài hạn vẫn là tăng và các nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh mua vào khi giá vàng giảm sâu nhằm tăng lượng vàng nắm giữ.
Trong khi đó Bộ phận Barclays Wealth ở London dự báo giá vàng sẽ về mức 800 USD/ounce vào năm 2012, nhà đầu tư cuối cùng sẽ bán vàng để rót tiền vào các loại công cụ đầu tư khác. Ngân hàng Societe Generale, ngân hàng hàng đầu của Pháp, cho rằng sự điều chỉnh của giá vàng sẽ đến nhanh hơn, ngân hàng này dự báo giá vàng sẽ về mức 800USD/ounce vào cuối năm 2010.
Thị trường vàng cũng giống như các thị trường khác, cung cầu cuối cùng sẽ cân bằng, giá khi tăng quá cao rồi cũng sẽ trở lại mức trung bình trong dài hạn. Từ năm 1980, giá vàng đã ở mức trung bình 440USD/ounce. Thế nhưng cũng giống như giá nhà đất Mỹ trong thập kỷ qua, sẽ mất khoảng thời gian nhất định để giá vàng có thể trở lại mức bình thường.
Giá vàng cao đồng nghĩa với người công nhân khai thác sẽ làm việc nhiều hơn. Nguồn cung vàng từ các mỏ trên toàn thế giới tăng kỷ lục 7% trong năm ngoái và lên mức 2.572 tấn. Kitco cho rằng các nước khai thác vàng lớn của thế giới sẽ tăng lượng vàng khai thác thêm 4% đến 6%/năm trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2014. Bởi những người khai thác vàng mất khoảng 480USD để sản xuất 1 ounce vàng, họ sẽ đẩy mạnh sản xuất khi giá vàng cao và vì thế dư thừa cung là không tránh khỏi.
Giá vàng gần đây tăng phản ánh lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro và về lợi ích của gói cứu trợ đối với sự hồi phục, tuy nhiên sau khi giá tăng ắt sẽ đến lúc giảm.
Trang sức vàng hiện đang chiếm hơn một nửa thị trường vàng thế giới. Nhu cầu trang sức vàng giảm 8% trong quý 4/2009 và sẽ tiếp tục giảm nếu giá ở mức cao. Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, giá vàng cao, người Ấn Độ tránh mua vàng trong mùa lễ hội Akshaya Tritiya quan trọng của họ và giá vàng vì thế đi xuống. Các nhà phân tích nhận định nhu cầu vàng tại Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng số 1 thế giới, có thể giảm 50% trong mùa lễ hội Akshaya Tritiya trong năm nay. Công ty RiddiSiddhi Bullions Ltd, kinh doanh vàng tại Ấn Độ nhận định, nhu cầu có thể giảm 20 tấn trong mùa lễ hội này, so với mức 40 tấn của năm ngoái.
Vinanet.vn
|