Từ chuyến công tác, kết hợp với thông tin thời sự quốc tế, GS Xuân đưa ra nhận định: Cánh cửa xuất khẩu gạo trên thế giới đang dần hẹp nên khả năng tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL sắp tới cũng sẽ gặp khó. Dưới đây là bài của GS viết riêng cho Báo Lao Động từ Nairobi, thủ đô của Kenya, Đông Phi.
Tại Bỉ, tôi thảo luận với anh bạn cũ Jean-Paul Schepens - Giám đốc của Cty Schepens tại Antwerp. Trên vách tường phòng khách của Cty có treo một bảng đồng do Hiệp hội Xay xát lúa gạo của Hoa Kỳ tặng ông Leon Schepens - ông nội của Jean-Paul, đề ngày 4.10.1968, với thành tích “đã có công giúp phát triển thị trường gạo cho hiệp hội của Hoa Kỳ”.
Anh Jean-Paul điều khiển Cty đến thế hệ thứ ba nên biết rất rõ tình hình thị trường lúa, gạo. Anh tỏ ra ngạc nhiên với thị trường Châu Á hiện tại, với Philippines đã ký hợp đồng mấy gói thầu với VN từ cuối năm 2009, nhưng có lẽ đưa giá cao quá nên cho đến nay Philippines vẫn giữ yên lặng, không tiến hành thủ tục nhận gạo nữa. Vì vậy, kho gạo của các Cty lương thực VN còn đầy.
Lúc này, Ấn Độ cũng đã thu hoạch tương đối trúng mùa. Trong khi đó, lúa hè thu của ĐBSCL tương đối trúng mùa tiếp tục, mặc dù một số diện tích tại vùng mặn có bị thiệt hại. Lúa hương lài của Thái Lan tuy bị thiệt hại một phần vì sâu bệnh, nhưng lượng lúa cao sản ở vùng đông bắc quốc gia này được thu hoạch khá. Trong khi đó thì tại Châu Phi, theo báo cáo của bà tiến sĩ Agnes Alibata - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp của Rwanda - một quốc gia ở Đông Phi, nông dân Rwanda cũng không bán được lúa và bắp vì giá rẻ, mà lại không có người mua. Các thương lái của Châu Phi còn đang chờ giá sụt tiếp mới mua.
Tại Châu Á, nếu Ấn Độ cho xuất khẩu gạo cũ trong kho an toàn của họ sẽ tạo áp lực cho Thái Lan và VN, trong khi Philippines và Indonesia thì không mua tiếp nữa, thì thị trường lúa gạo quốc tế sẽ tiếp tục giảm cả về giá và khả năng tiêu thụ. Bà Bộ trưởng Alibata nói rằng, mùa tới mọi nơi giảm bớt diện tích lúa mới mong giá gạo trở lại giá tốt hơn cho nông dân. Võ Tòng Xuân
http://www.laodong.com.vn
|