Sản phẩm chất lượng, bán tại nước ngoài, nhưng để chinh phục thị trường trong nước là điều không hề dễ. Và một cách mới mà nhiều doanh nghiệp đang làm: tiếp cận tiểu thương, đi vào chợ truyền thống.
Người tiêu dùng tìm hiểu về chai liêu của PitCo
có thêm bộ phận máy xay được tích hợp trong đó
Không ít tiểu thương và người tiêu dùng mân mê trên tay chai tiêu thủy tinh có gắn máy xay sẵn, được tiệt trùng vi sinh, nhãn hiệu bắt mắt, mang thương hiệu TopSpice tại "Chợ phiên Hàng Việt và nông sản sạch". Mức giá mới là hấp dẫn: 35.000 đồng/chai.
“Rất tiện lợi và giá cũng hợp lý. Nếu đưa sản phẩm vào các chợ tôi tin sẽ được người tiêu dùng ủng hộ”- Chị Lưu Thị Thanh Hiền, tiểu thương chợ Thị Nghè, TP.HCM, nhận xét.
TopSpice là sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (PitCo), và sản phẩm tiêu sạch này đã xuất khẩu qua châu Mỹ, châu Âu, có chỗ đứng vững chắc trên thế giới. Nhưng ở chợ truyền thống trong nước thì lại hoàn toàn vắng bóng.
Bà Trịnh Thị Hồng Lan, đại diện doanh nghiệp PitCo, cho biết công ty đang tìm cách tiếp cận người tiêu dùng thông qua kênh phân phối truyền thống này. "Chúng tôi luôn có những chính sách hợp lý, đảm bảo cho tiểu thương trong quá trình hợp tác", bà nói.
Ở một gian hàng khác, diễn viên Phương Dung, Đại sứ hàng Việt, ngắm nghía, vân vê những sản phẩm của công ty TNHH TM-DV-SX Hòa Mỹ, tấm tắc khen: "Chất lượng vải tốt, mẫu mã đẹp như này chắc hẳn sản phẩm của doanh nghiệp đã được nhiều người tin dùng”.
Đại sứ hàng Việt Phương Dung tìm hiểu
về sản phẩm may mặc của doanh nghiệp Hòa Mỹ
Đáp lại, giám đốc công ty Hòa Mỹ là bà Ngô Thị Ngọc Mỹ cho biết, sản phẩm dù đã xuất sang thị trường khó tính ở Nhật (sản phẩm Vonzer, Gwen"s) nhưng trong nước vẫn đang phải cạnh tranh gay gắt với những mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Quả thật, thị trường may mặc đang chứng kiến một sự lộn xộn vàng thau lẫn lộn, nhất là ở các khu công nghiệp, các điểm bán quần áo di động hay các tiệm thời trang cũng như kinh doanh trực tuyến nở rộ.
Chính vì thế mà “Chợ phiên hàng Việt và nông sản sạch”, theo bà Mỹ, là cơ hội để công ty giới thiệu đến tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố để qua họ, sản phẩm có thể đi được sâu hơn trong thị trường.
"Nếu thắng được trong các chợ truyền thống sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được rất nhiều vấn đề, nhất là giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng có chất lượng, thương hiệu, uy tín”, bà Mỹ nói.
Theo bà Mỹ, chất lượng từng “đường kim, mũi chỉ” của công nhân Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới, chỉ cần đầu tư thêm về máy móc, thiết kế, mẫu mã thì sản phẩm Việt hoàn toàn có chỗ đứng trong nước và vươn ra thế giới.
"Để cạnh tranh với nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường hiện nay, trong chiến lược kinh doanh của mình, chúng tôi luôn phải đưa ra mức giá không quá xa với người tiêu dùng, mức giá khoảng 200.000/sản phẩm là phù hợp cho thị trường nội địa”, bà Mỹ cho biết.
Cũng liên quan đến lĩnh vực may mặc, công ty Thế Giới Túi Xách là một trong những doanh nghiệp liên tục sáng tạo về mẫu mã, kiểu dáng để thành công trên thị trường.
Như cặp chiếc cặp “Vali balo laptop Macat V8B”, được doanh nghiệp nghiên cứu, tìm tòi với nhiều tính năng cho người dùng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, giám đốc Marketing công ty Thế Giới Túi Xách cho biết, tiếp cận đến tiểu thương và Đại sứ hàng Việt là một cách làm mới mà doanh nghiệp chưa tập trung làm nhiều.
Hàng loạt các doanh nghiệp khác như bột Vĩnh Thuận, Yến sào Sài Gòn Anpha, máy tính Venr, trà Tâm Lan, bàn ghế Qui Phúc, đồ gia dụng Sunhouse, mỹ phẩm Đăng Dương tham gia chương trình “Chợ phiên hàng Việt và nông sản sạch” đều có một điểm chung: làm sao để sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng thông qua tiểu thương các chợ trên địa bàn TP.HCM.
Và để làm được điều này, cần nhiều nỗ lực từ các bên tham gia, hay thêm những cuộc kết nối để tạo thêm những “cơ hội” cho hàng Việt thâm nhập chợ truyền thống.
Bài & ảnh: Trần Quỳnh
(Nguồn: http://bsa.org.vn/?p=viewcontent&menufid=11&id=15110)
|