Ba từ “bé hạt tiêu” gợi liên tưởng ngay tới thứ gì đó nhỏ và gây ấn tượng tới mức… hắt xì. Câu chuyện ngành tiêu Việt Nam mà chúng tôi ghi nhận được trong những tuần đầu tiên của năm mới 2015 phản ánh đúng tinh thần đó. Hạt tiêu: bé mà không … nhỏ
Hồ tiêu của Việt Nam có nhiều lợi thế tự nhiên. Về chất lượng, nếu lượng tinh dầu trong hạt tiêu ở nhiều nơi trên thế giới dao động trong khoảng từ 1,5 – 2,5% thì hàm lượng 2% tinh dầu là đương nhiên với tiêu Việt Nam. Bởi vậy mà khi được hỏi về kinh nghiệm đánh giá chất lượng tiêu, một nhà xuất khẩu tiêu kỳ cựu chia sẻ giản dị: “Tiêu mà gây hắt xì là tiêu ngon”. Năng suất tiêu Việt Nam cũng cao vượt trội, đạt từ 2 – 2,5 tấn/ha, trong khi tại Ấn Độ sản lượng bình quân mỗi hecta chừng 800kg.
Hàng tốt, năng suất cao là nguồn cung chính toàn cầu, giá tiêu thụ quốc tế tăng nhanh trong những năm qua nên ngành tiêu cứ “tự nhiên” phát triển, nói là tự nhiên vì việc kinh doanh và phát triển hồ tiêu dường như bị bỏ quên. Ngành tiêu Việt Nam, khá lặng lẽ, dịch chuyển từ 90 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào cuối những năm 1990 lên mức 1,2 tỉ USD năm 2014 (xem bảng). Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia sản xuất ra 1/3 lượng tiêu của thế giới và đóng góp 50% lượng giao dịch toàn cầu. Cùng với than đá, hồ tiêu cũng có thể xem như “vàng đen” của Việt Nam. Trên thực tế, vào thời Trung cổ, hạt tiêu từng được gọi là “vàng đen” và thậm chí còn được sử dụng như một loại tiền tệ trong giao dịch. “Giá trị của tiêu Việt Nam không dừng ở con số 1,2 tỉ USD,” anh Hà Huy Thắng (tổng giám đốc công ty CP XNK Petrolimex, PITCO, HOSE: PIT) khẳng định. “Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ, thị trường tiêu thụ quan trọng của tiêu Việt Nam, cho thấy, giá trị tiêu dùng tiêu là 12 tỉ USD. Khoảng trống thị trường quá rộng lớn cho ngành tiêu Việt Nam phát triển”.
Tăng vị thế quốc tế để liên kết chặt với nông dân
Tăng giá trị xuất khẩu và tạo dựng vị thế trong chuỗi giá trị ngành tiêu thế giới không thể chỉ dựa vào sản lượng và chất lượng nguyên liệu thô. Từ cuối năm 2011, PITCO đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản Tân Uyên (Bình Dương) với năng lực cung ứng tiêu chế biến đạt tiêu chuẩn do hiệp hội Thương mại gia vị Hoa Kỳ (ASTA) quy định. Tới năm 2013, PITCO một lần nữa đi tiên phong trong đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến tiêu vi sinh tiệt trùng bằng công nghệ hơi nước. Chấp nhận chi phí công nghệ cao hơn so với tiệt trùng bằng hoá chất hay phóng xạ để có mức độ an toàn sản phẩm lớn nhất, PITCO đã hoàn thiện năng lực cung ứng sản phẩm tiêu đóng lọ, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng cuối cùng. Hạt tiêu Việt Nam đã hiện diện trên bàn ăn ở Mỹ, châu Âu, Úc… dưới những nhãn hàng quốc tế. Nói cách khác, là nguồn cung hồ tiêu chủ lực của thế giới, nhưng Việt Nam vẫn làm gia công tiêu.
Sản phẩm tiêu vi sinh tiệt trùng đóng lọ thương hiệu TopSpice có giá bán lẻ 20.000 đồng/lọ.
Từ năm 2014, TopSpice – thương hiệu tiêu tiệt trùng vi sinh của Việt Nam đầu tiên – đã ra đời. Tiêu Việt Nam được chế biến đạt tiêu chuẩn ASTA và tiệt trùng vi sinh được đóng trong chai thuỷ tinh, gắn nắp xay ăn liền có hình thức không hề thua kém những sản phẩm mang nhãn hiệu Medallion hay McCormick. Điểm khác biệt: giá bán lẻ tại Việt Nam chỉ bằng 1/5.
Nỗ lực đổi mới công nghệ sản xuất và phát triển sản phẩm của PITCO được ghi nhận từ cộng đồng các doanh nghiệp ngành tiêu trong nước và quốc tế. Sau giải thưởng cho sản phẩm tiêu sáng tạo năm 2012, kết thúc năm 2014, PITCO được bình chọn là Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu xuất sắc nhất Việt Nam – danh hiệu sẽ được hiệp hội Tiêu thế giới (IPC) trao tặng vào tháng 3.2015.
Muốn phát triển bền vững, cần tạo liên kết gắn bó với nguồn nguyên liệu, hợp tác cùng nông dân trồng tiêu theo các tiêu chuẩn xanh và hữu cơ, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của các rào cản kỹ thuật tại những thị trường nhập khẩu cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu, hay Nhật Bản. Đây là hướng đi mà PITCO lựa chọn. Yếu tố quyết định để hợp tác doanh nghiệp – nông dân thành công là xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Việt Nam có chất lượng cao, được quốc tế công nhận và bán được tới tay người tiêu dùng cuối cùng. “Nếu giá thu mua tiêu giữ được ở mức cao như hiện nay thì chắc chắn người dân sẽ chủ động chuyển đổi mô hình canh tác theo hướng không còn sử dụng hoá chất hay thuốc trừ sâu nữa, vì người trồng tiêu ở Việt Nam rất giỏi và nhạy bén”, anh Thắng nhận định. “Muốn giữ được giá như hiện tại cho người nông dân, các doanh nghiệp cần tiếp tục mở rộng thị phần quốc tế, tăng vị thế bán hàng của tiêu Việt Nam. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu được giá tốt thì tự thị trường sẽ điều chỉnh giá thu mua để người nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi”.
Chính vị thế trên thị trường quốc tế mới quyết định sự bền vững của liên kết doanh nghiệp – nông dân trong nước. Xu hướng củng cố liên kết nông dân và phục vụ người tiêu dùng nội địa là lựa chọn chủ động của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Lộ trình của họ là thế này: xuất khẩu nguyên liệu thô, nắm bắt được công nghệ chế biến, nắm cách thức phát triển sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng quốc tế rồi quay trở lại phục vụ người dân trong nước. Ở đây, còn một nguyên nhân nữa là thị trường nội địa đủ sức phát sinh nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản chế biến cao cấp. Phát triển sản phẩm mang thương hiệu riêng, hướng tới đáp ứng nhu cầu cả ở trong nước không chỉ là lựa chọn của riêng PITCO, mà còn có thể ghi nhận ở những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Antesco (An Giang) trong ngành hàng rau, củ hay Vinamit với sản phẩm trái cây sấy.
Trần Chí Dũng
(Nguồn: http://thegioitiepthi.net/thoi-su-thi-truong/nong-dan-nong-san/tu-chuyen-be-hat-tieu/)
|