Nếu như việc doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp thu mua cà phê của nông dân trước đây bị coi là không đúng luật thì gần đây chuyện này gần như hợp thức hóa khi có thông tin tỉnh Đăk Lăk đề nghị Bộ Công thương chấp thuận cho một doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp thu mua cà phê của nông dân.
Trao đổi với Đất Việt, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (VICOFA) nhìn nhận, nguy cơ sụp đổ toàn bộ thị trường cà phê Việt Nam là điều hoàn toàn có thể nếu để doanh nghiệp ngoại nắm tận gốc cây cà phê.
-Ông đánh giá thế nào về việc nếu có doanh nghiệp ngoại được cấp phép thu mua cà phê trực tiếp từ nông dân?
- Giới kinh doanh cà phê trong nước nhận định, có một sẽ có hai, ba và nhiều nhà kinh doanh cà phê ngoại muốn thâm nhập sâu vào thị trường trong nước. Nhiều người cho đó là cơ hội nhưng lại không lường trước những ẩn họa phía sau toan tính từ các nhà kinh doanh nước ngoài. Bởi các doanh nghiệp ngoại đang tỏ ra rất quyết tâm trong việc hợp thức hóa việc mua cà phê trực tiếp từ tay nông dân, bằng thực tế là họ tuyên bố đã đầu tư cho nông dân trồng cà phê, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu vàxuất khẩutrực tiếp ra nước ngoài… Tuy nhiên, điều nghe rất hay này ẩn chứa nhiều rủi ro khó lường khi doanh nghiệp ngoại nắm được tận gốc cây cà phê. Bởi khi đó ai đảm bảo an toàn cho thị trường cà phê VN? Ai sẽ điều tiết, đẩy giá lên hay hạ giá xuống (?) Việc này với các nhà kinh doanh cà phê thành thạo trên sàn London chỉ làm bằng dăm ba tin đồn.
-Nhưng chẳng lẽ va vấp thương trường vài thập kỷ rồi mà các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam vẫn dễ bị tin đồn chi phối?
- Va vấp tới đâu cũng rất khó đối phó với tin đồn. Tôi chỉ nêu ra một ví dụ rất thực tế vừa xảy ra cách đâu không lâu đã tác động rất lớn đến thị trường cà phê Việt Nam và thế giới. Vài tuần trước, trong lúc Vicofa chưa có một dự báo chính thức nào về niên vụ sắp tới nhưng trên báo chí trong và ngoài nước liên tục xuất hiện thông tin “Việt Nam vào vụ sớm”, “Việt Nam được mùa cà phê”, “Năm kỷ lục về sản lượng cà phê của Việt Nam”, hay “Doanh nghiệp Việt Nam không có vốn, nông dân hoảng hốt, vào vụ chắc chắn phải bán tháo”… khiến giá cà phê trong nước rớt 6 – 7 triệu đồng một tấn. Vậy những thông tin đó từ đâu mà có, điều mà giới kinh doanh cà phê đều biết rõ là thị trường cà phê đang bị điều khiển từ bên ngoài. Mấy năm trước khối doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm từ 10 – 20% lượng cà phê xuất khẩu ở Việt Nam, nhưng năm vừa rồi đã lên mức 40%, dự đoán năm tơi sẽ vượt 50%, vì hầu hết các doanh nghiệp đã lập các điểm thu mua ở hầu hết các huyện ở những địa phương trồng cà phê.
- Họ đã đáp ứng đủ điều kiện nên dù không muốn chúng ta phải chấp nhận. Theo ông, doanh nghiệp trong nước cần làm gì để không mất thị phần lúc này?
- Năm 2001, thị trường cà phê Việt Nam tưởng chừng như sụp đổ vì mức lỗ lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại được Chính phủ cho phép mua tạm trữ và đã vực dậy được. Điều đó cho thấy nếu sức mạnh của một ngành hàng được quy về đầu mối sẽ có thể điều tiết được cả thị trường. Một số ngành hàng của Việt Nam như cao su, lương thực, hồ tiêu… đã làm được điều này đó thôi.
-Nghĩa là Hiệp hội cà phê đang cần hỗ trợ từ phía Nhà nước?
- Cần Chính phủ đứng đằng sau các doanh nghiệp trong việc xây dựng những cơ chế, và coi Hiệp hội là đầu mối điều tiết thị trường thông qua những biện pháp đồng bộ. Thị trường cà phê Việt Nam hiện nay mở quá rộng, kiểm soát khó, hoạt động cà phê quá đông, quá ồn ào. Nếu bằng cơ chế có sự sàng lọc thị trường sẽ dễ kiểm soát hơn.
-Cám ơn ông!
“Chúng tôi không cần Chính phủ cho doanh nghiệp hưởng lãi suất ưu đãi mà chỉ cần Chính phủ có quy chế để các Ngân hàng thương mại cung cấp đủ vốn cho doanh nghiệp có thể mua được lượng cà phê cần thiết theo đúng giá thị trường với thời gian đủ dài để doanh nghiệp có thể chủ động điều tiết việc mua vào bán ra…” (Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó TGĐ Vinacafe). |
Theo Nguyên Khải
Báo Đất Việt