Đóng cửa phiên ngày 26/7, giá tiêu kỳ hạn tháng 8 trên thị trường Kochi-Ấn Độ tăng 84 Rupi lên 29.680 Rupi/tạ, tương đương 6.603 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 9 và tháng 10 tăng lần lượt 29 và 18 Rupi lên 30.250 và 30.625 Rupi/tạ, tương đương 6.730 và 6.813 USD/tấn, tiến sát những mốc cao kỷ lục.
Tính từ ngày chuyển tháng kỳ hạn đến nay, giá hạt tiêu trên sàn giao dịch thế giới chỉ có 1 phiên mất điểm vào ngày 25/7 của kỳ hạn tháng 8 (mất 44 Rupi, tương đương 10 USD) trong khi các kỳ hạn khác đều tăng. Tổng cộng tăng lần lượt 1.193, 1.286 và 1.261 Rupi/tạ, tương đương 266, 286 và 281 USD/tấn cho các kỳ hạn tháng 8, 9, 10. Giá tiêu nội địa trong các ngày đó chỉ giao động trong biên độ hẹp hơn rất nhiều.
Giá hạt tiêu xô trong nước tại vùng Đông Nam bộ dao động trong khoảng 110.000-113.000 đồng/kg trong khi tại Tây nguyên thấp hơn, ở mức 106.000-110.000 đồng/kg.Tuy giá tiêu kỳ hạn tăng cao kéo theo giá tiêu xuất khẩu của Ấn Độ, Indonesia tăng mạnh lên khoảng 400 USD/tấn, trong khi giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam và Brazil chỉ tăng khoảng 100 USD/tấn. Điều này góp phần giải thích vì sao giá tiêu nội địa của nước ta tăng không đáng kể.
Theo các Nhà cung ứng tiêu Việt Nam: “Các khách mua hàng hiện nay tại Việt Nam trong tháng qua chủ yếu là các Nhà chế biến Ấn Độ, Họ mua loại 550gr và loại Asta”.
Do giá tiêu xuất khẩu của nước mình ở mức cao nên 2 nước này nhập thêm tiêu từ Việt Nam có giá rẻ hơn về để tái xuất, bổ sung nguồn hàng trong nước vốn không được dồi dào lại còn bị mất mùa trong năm nay.
Thống kê của Hải Quan cho thấy, lượng xuất khẩu trong tháng 6 vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Đức, Các Tiểu vương quốc Ả rập, Ấn Độ, Hà Lan… và các thị trường có tỷ lệ về lượng tăng cao như Philippine, Bỉ, Italia, Nhật, Indonesia, Thái Lan… trong đó có 2 thị trường cung cấp hạt tiêu chính của thế giới là Ấn Độ và Indonesia.
Số lượng cụ thể như sau: Ấn Độ nhập 1.158 tấn, giá trị kim ngạch 6,12 triệu USD, đơn giá bình quân 5.281 USD/tấn, nâng khối lượng nhập 6 tháng đầu năm lên 4.256 tấn tiêu các loại với tổng giá trị kim ngạch đạt 21,267 triệu USD. Indonesia nhập 290 tấn, giá trị kim ngạch 2,11 triệu USD, đơn giá bình quân 7.270 USD/tấn, nâng khối lượng nhập 6 tháng đầu năm lên 595 tấn tiêu các loại với tổng giá trị kim ngạch đạt 4,01 triệu USD.
Dựa theo số liệu có thể thấy Indonesia nhập tiêu có giá cao trong khi Ấn Độ nhập tiêu các loại có giá rẻ là chủ yếu.
Hiện nay giá hạt tiêu xuất khẩu của Ấn Độ loại đặc chủng MG1 có giá 6.875-6.900 USD/tấn (C&F). Hạt tiêu xuất khẩu của Indonesia loại BG1-Asta giá 6.650 USD/tấn và loại BG2-Asta giá 6.300 USD/tấn, tăng 300-400 USD/tấn.
Trong khi tiêu đen xuất khẩu của Brazil loại Bra ASTA giá 6.400 USD/tấn, tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 550 Gr/l-Asta giá 6.350 USD/tấn và loại 580 Gr/l-Asta giá 6.750 USD/tấn, tăng 50-100 USD/tấn.
Giới thương nhân dự báo, nguồn cung thắt chặt ở các nước sản xuất sẽ giữ giá tiêu ở mức cao vào cuối năm nay.
|