Theo ông Shafranik - hiện là Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp dầu khí Nga, giá dầu thế giới trong năm 2011sẽ dao động xung quanh mức 60 USD/thùng, chứ không phải 75 USD/ thùng như dự tính của Chính phủ Nga khi đề ra kế hoạch ngân sách. Các chuyên gia nhận xét giá dầu rẻ sẽ buộc Chính phủ Nga phải tìm kiếm những nguồn tín dụng mới và phải giảm tỷ giá đồng nội tệ tới 40 rúp/USD.
Viện dẫn dự báo của Viện Nghiên cứu chiến lược năng lượng, ông Shafranik cho biết với việc xây dựng được phương pháp tính toán và đánh giá ảnh hưởng của một loạt nhân tố đối với giá dầu thế giới, trong ba năm qua, giới chuyên gia đã dự báo khá chính xác diễn biến của giá dầu trên thế giới. Trong khi đó, trong những dự báo về triển vọng kinh tế-xã hội, Chính phủ Nga đã đưa ra những con số rất lạc quan về giá dầu mỏ là 75 USD/thùng cho năm 2011 và 78-79 USD/thùng cho năm 2012-2013.
Giá dầu thế giới sụt giảm là do kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn và có nguy cơ rơi vào suy thoái kép. Tuy không chắc chắn khi nào giá dầu sẽ giảm, nhưng ông Shafranik cho rằng suy thoái kinh tế có thể sẽ xảy ra vào đầu hoặc cuối năm 2011. Theo ông, thế giới không thể dựa vào những nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu, khi kinh tế Mỹ đang suy yếu trông thấy và Trung Quốc thì còn lâu mới đạt tới mức tiêu dùng của người Mỹ.
Những dự báo của ông Shafranik là khá sát với thực tế. Gần đây, lãnh đạo các tổ chức ở châu Âu và Mỹ cũng đưa ra những đánh giá tương tự về tình hình kinh tế thế giới. Chẳng hạn, cuối tuần trước, ông Jean Claude Trichet, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu nhận định còn quá sớm để có thể nói giai đoạn khủng hoảng đã qua. Ông nói kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi với tốc độ chậm, khi vẫn tồn tại những yếu tố chưa chắc chắn. Các chuyên gia nhận định nếu dự đoán của ông Shafranik là đúng thì năm 2011 sẽ là thời kỳ khó khăn đối với Nga. Khi giá dầu mỏ giảm, nước Nga sẽ mất khoảng 15% thu nhập.
Bà Natalia Orlova, nhà kinh tế chủ chốt của Ngân hàng Alfa, cho rằng sự nhạy cảm của ngân sách trước những biến động trên thị trường dầu mỏ trong những năm gần đây đang gia tăng. Theo bà, nếu giá dầu giảm 15 USD/thùng, ngân sách Nga sẽ giảm theo khoảng 30 tỷ USD, hay 2% GDP. Bà giải thích: “Nếu thâm hụt ngân sách của Nga trong năm nay dự tính ở mức 3,6% GDP, trong trường hợp giá dầu giảm, con số này có thể tăng lên tới 5,6% GDP. Những rủi ro về kinh tế cũng sẽ tăng ở mức tương ứng".
Đối với Nga, nước vẫn phải phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí, việc giá của hai mặt hàng chiến lược này giảm đồng nghĩa với việc tính năng động của nền kinh tế tất yếu sẽ bị giảm theo. Điều này sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ nần, đặc biệt sẽ kéo theo việc tăng lãi suất tín dụng đối với các doanh nghiệp Nga. Khi đó đầu tư cơ bản vốn đang ở mức cầm chừng sẽ tiếp tục chững lại trong tương lai. Như vậy, khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 4-5% như Chính phủ Nga dự đoán cho 3 năm tới. Trên thực tế, giá dầu ở mức 60 USD/thùng sẽ khiến cho kinh tế Nga đình đốn.
Theo giới phân tích, biến động của giá dầu thế giới cũng tác động trực tiếp đến sự thay đổi tỷ giá của đồng rúp. Nếu giá dầu giảm xuống còn 60 USD/thùng, đồng Ruble sẽ bị suy yếu và tỷ giá đồng tiền này sẽ giảm xuống khoảng 35-40 Ruble/USD.
Lê Chân (theo “Báo Độc lập”)
|