Hiệp hội Hồ tiêu thế giới dự báo sản lượng tiêu toàn cầu năm 2010 ước đạt 280.000 tấn, giảm gần 9.000 tấn so với niên vụ 2009. Trong khi đó, sản lượng tiêu của nước ta ước đạt 90.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng tiêu thế giới, nhưng theo giới chuyên môn, Việt Nam vẫn không chủ động được giá bán tiêu.
Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới sản lượng tiêu năm 2010 sẽ giảm từ 20% đến 30%. Thông thường, khi cung không đủ cầu thì giá sẽ tăng và xu thế đó sẽ tác động như thế nào đến người trồng tiêu ở nước ta?
- Ông Đỗ Hà Nam: Có thể dự báo giá bán tiêu trong năm 2010 là khá cao, trung bình khoảng 3.000 đô la Mỹ/ tấn, tăng gần 500 đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái. Cho dù không chủ động được giá bán tiêu trên thị trường thế giới, đà tăng giá này cũng kéo theo lợi nhuận của chúng ta.
Các doanh nghiệp trong nước cần chú ý xu thế này trước khi ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác nước ngoài để tránh bị thiệt hại khi giá tiêu tiếp tục lên cao.
Hiện, sản lượng xuất khẩu tiêu của nước ta gần bằng 50% sản lượng tiêu thế giới nhưng tại sao chúng ta không kiểm soát được giá bán mà phụ thuộc vào sàn giao dịch nước ngoài?
Nước ta chỉ xuất khẩu tiêu ở dạng tiêu thô - dạng tiêu nguyên liệu - nên chúng ta không chủ động được giá bán. Các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào giá tiêu tại sàn giao dịch tiêu Ấn Độ. Vả lại do chúng ta chỉ bán tiêu thô nên giá không thể cao được.
Sự gia tăng sản lượng tiêu quá nhanh so với nhu cầu tiêu thụ còn là yếu tố khiến chúng ta bị ép giá. Năm 1996, xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ có 7.000 tấn, nhưng 10 năm sau ( 2006) con số này đã là 116. 000 tấn, tăng hơn 15 lần, còn năm 2009 xuất được 134.000 tấn với giá trị 350 triệu đô la Mỹ. Khách hàng biết chúng ta chỉ tiêu thụ trong nước mỗi năm 5.000 tấn tiêu, số còn lại phải xuất khẩu chứ không thể làm gì khác nên họ ép chúng ta.
Theo ông có cách nào để giải quyết vấn đề này?
Hiện nay, Hiệp hội Tiêu Việt Nam đang chú trong thúc đẩy khâu chế biến thay vì, bán tiêu thô như trước đây. Chỉ có cách nâng cao giá trị hàng hóa thông qua đầu tư vào khâu chế biến chứ không thể bán nguyên liệu mãi được.
Năm 2009, công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) đã đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tiêu bột tại Gia Lai. Đây là công ty đầu tiên hướng chế biến để xuất khẩu thay vì bán tiêu thô.
Tuy nhiên, thời gian một năm chỉ đủ để làm quen và tìm hiểu thị trường. Nhưng theo hiệp hội, đó là hướng đi đúng nếu ngành tiêu muốn khẳng định vị thế số một trên thị trường thế giới.
Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ kiểm tra một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu nước ta vì trước đó một số lượng tiêu xuất khẩu từ Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn Escherichia coli( E.coli). Liệu việc kiểm tra này có ảnh hưởng gì đến giá tiêu cũng như sản lượng xuất khẩu vào Mỹ?
Thực ra, khi các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, thì mặc nhiên đã chấp nhận để phía Mỹ đi kiểm tra khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là việc làm bình thường nếu muốn xuất khẩu vào Mỹ, cũng như những thị trường khác.
Nên hiểu rằng, việc Bộ Nông nghiệp Mỹ kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu nước ta là điều bình thường và không ảnh hưởng gì đến sản lượng cũng như giá cả xuất khẩu của chúng ta vào thị trường này. Hiện sản lượng cũng như giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ không giảm và còn có xu hướng tăng lên.
Xin cảm ơn ông!
Theo KTSG
|