Giá hồ tiêu đang tăng quá nhanh khiến nông dân mát mặt. Tuy nhiên, việc tăng “nóng” này đang tiềm ẩn rất nhiều mối nguy lớn.
Tại “vương quốc” tiêu Lộc Ninh (Bình Phước), các “lái” tiêu đang tranh nhau lùng sục nguồn hàng trong dân để kiếm lời vì giá tiêu đang tăng từng ngày. Lái tiêu Nguyễn Thị Hoa (ấp 5, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) cho biết, trung bình mỗi ngày giá 1 tấn tiêu tăng thêm từ 1-2 triệu đồng. “Nếu như hai ngày trước tôi thu mua chỉ 52- 53 triệu đồng/tấn thì ngày 17/5 giá đã là 55 triệu đồng/tấn”.
Tương tự, lái Trần Thị Huyền (ấp 9, xã Thanh Hoà, huyện Bù Đốp) cho biết, mấy ngày qua nhiều Cty gom hàng liên tục gọi điện réo hàng nhưng vợ chồng chị dù chạy đôn chạy đáo, uốn cong hết lưỡi để “dụ” dân bán tiêu cũng không đáp ứng đủ yêu cầu của khách. “Dường như nông dân biết “ông trời” còn thương, đẩy giá lên nữa nên chỉ bán cầm chừng, một số ít thì quyết giữ lại chờ “ăn đủ” với vụ tiêu này” - chị Huyền nói.
Vùng tiêu nổi tiếng trên Tây Nguyên là Chư Sê (Gia Lai) cũng đang nóng hừng hực vì sốt giá tiêu. Với mức giá 55 triệu đồng/tấn, người trồng hồ tiêu đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên đang trúng lớn. Với năng suất bình quân khoảng 4 tấn/ha thì người dân thu 220 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí vẫn lãi trên 150 triệu đồng/ha. Đối với những vườn hồ tiêu được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật thì năng suất đạt đến 8- 10 tấn/ha, nhiều hộ dân ở Chư Sê, Chư Prông (Gia Lai), Đắc Min, Đắc Song (Đắc Nông), Ea H’leo, Cư Mgar (Đắc Lắc)…đã thu 1 – 2 tỷ đồng trong vụ tiêu năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê: “Thiên tai, sâu bệnh đã khiến vùng chuyên canh hồ tiêu Chư Sê năm nay giảm khoảng 30%, chỉ đạt 11.000-12.000 tấn khiến tiêu rất có giá. Tuy nhiên, giá tiêu tăng lên quá nhanh như thế này chúng tôi…lo nhiều hơn mừng”. Theo ông Bính, việc giá tiêu tăng nhanh từng xảy ra trước đây và ngay sau đó do hiện tượng “thổi” giá bong bóng đã khiến giá tiêu lập tức rớt thảm hại không có cách nào cứu vãn. Và cứ thế, hiện tượng chặt bỏ vườn tiêu hay để mặc sâu bệnh phá hoại không chăm sóc lại tái diễn.
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho rằng, việc giá tiêu tăng lên hay giảm xuống bất thường trong nhiều năm qua luôn gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, còn DN chỉ bị “ảnh hưởng”. Vì thế, để hỗ trợ trở lại cho người nông dân, đối tượng trực tiếp tạo ra nguồn hàng XK cho DN, ông Bính đề nghị thành lập “top ten” 10 DN tiêu hàng đầu VN và cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ giúp bình ổn giá hồ tiêu ở mức có lợi nhất. Nhìn lại hai vụ tiêu 2008-2009 và 2009-2010, thị trường hồ tiêu có nhiều biến động lớn, diễn biến phức tạp. Sau khi giá tăng cao ngất ngưởng trên 60 triệu đồng/tấn, tới đầu năm 2009 ngoái giá đã rớt mạnh xuống còn dưới 30 triệu đồng/tấn khiến nhiều vùng tiêu lao đao. Tuy nhiên, do thời tiết bất thường gây hại, sản lượng hồ tiêu toàn cầu sụt giảm khiến năm nay giá tiêu lại tăng lên gần gấp đôi. Tuy nhiên, giá tiêu lên hay xuống, người nông dân có lời hay thua lỗ nợ nần nhiều năm nay lại hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. “Vết xe đổ” lặp lại khi giá tiêu lên cao người dân Tây Nguyên và Đông Nam bộ lại đổ xô chặt cà phê, cây ăn trái để đầu tư mở rộng diện tích.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN (VPA) khẳng định, giá hồ tiêu tăng cao như hiện nay là điều kiện rất tốt để ngành hồ tiêu cải thiện chất lượng chứ không phải để ồ ạt tăng diện tích. “Nếu chất lượng đi xuống, diện tích và sản lượng tăng lên thì người nông dân sẽ thiệt hại đầu tiên vì cung vượt cầu, giá không thể giữ được ở mức có lợi như hiện nay”. VPA khuyến cáo bà con nông dân trồng tiêu ngay từ vụ 2010 – 2011 không nên mở rộng diện tích ồ ạt, cần thâm canh theo hướng hữu cơ, bảo đảm vườn tiêu phát triển bền vững và VSATTP.
NNVN
|