-
TRANG CHỦ GIẢI THƯỞNG THƯ VIỆN ẢNH LIÊN HỆ
TIN TỨC >> TIN THƯỜNG NHẬT
Ngày đăng: 17/01/2011
Những yếu tố thuận lợi thúc đẩy giá cà phê tăng hiện nay

Diễn biến của giá cà phê trên thị trường thế giới xưa nay vẫn thế, giống như “trời lúc nắng lúc mưa, giá cà phê lúc lên lúc xuống”, tuy nhiên qua nhiều năm quan sát với tư cách là người có nghiệp chướng bị ảnh hưởng bởi thị trường Cà phê nhiều hơn so với bị ảnh hường bởi thời tiết, cá nhân tôi cảm thấy vui mừng khi nhận thấy giá cà phê đã tăng nhờ hội đủ khá nhiều yếu tố mà đáng lẽ phải tăng nhiều hơn, sau đây tôi xin kê ra những yếu tố đó để chúng ta cùng chia xẻ:

london coffee chart
Biểu đồ giá cà phê trên thị trường London năm 2010

1. Nguồn cung arabica eo hẹp trong năm 2010 và đang hứa hẹn sẽ tiếp tục eo hẹp trong vụ thu tới khi mà sản lượng của Brazil 2011 đang được dự đoán là đi vào chu kỳ giảm hai năm một lần và người ta có cơ sở để thấy điều đó vào lúc này trên vườn cây của họ, bởi Brazil thu hoạch trong tháng 7 hàng năm và hiện nay thì đã có thể nhìn thấy quả non để dự báo.

Sự eo hẹp nguồn cung arabica trong lịch sử luôn kéo theo sự tăng giá chung cho cả robusta bởi tâm lý giao dịch từ thị trường arabica ở New York luôn ảnh hưởng mạnh lên thị trường robusta của Liffe, không những thế một khi nguồn cung arabica nhỏ đi thì các nhà rang xay đều có xu hướng tăng tỷ lệ trộn robusta trong quá trình chế biến, điều này không phải chỉ độn vào để tăng lợi nhuận như chúng ta thường nghĩ mà còn để giải quyết sự thiếu hụt cà phê rang xay theo kế hoạch bán ra.

2. Có một vấn đề mà chúng ta cần nói thẳng ra không ngại ngần để cùng nhau có giải pháp đó là Việt nam là nước xuất robusta hàng đầu thế giới và cũng là nước sản xuất dễ bị bắt chẹt nhất bởi những nguyên nhân sau:

  • Sản lượng lớn mà không có kế hoạch nào khả dĩ thuyết phục được hay nói trắng ra là có thể khiến cho người mua phải dè chừng bởi những chính sách điều tiết lượng bán ồ ạt khi năm hết tết đến.
  • Những nhà xuất khẩu chưa có được thông tin đáng tin cậy để căn cứ vào đó mà điều tiết lượng bán của mình, thậm chí có năm tranh nhau bán ra một khối lượng lớn hơn sản lượng thu hoạch trong năm đã khiến cho giá nội địa tăng cao hơn cả giá thế giới bởi tranh mua để có hàng giao, chưa nói đến giá bán bình quân và trừ lùi.
  • Thời gian vài năm về trước, kể từ Noel đến tết là lượng bán tăng mạnh từ Nông dân không chỉ vì cần mua sắm mà còn vì trả nợ sau một năm dài đầu tư, chúng ta đã bị bắt thóp ở điểm tử này và cứ mãi như thế.

Tình hình hiện nay đã có phần đổi khác, đời sống của Nông dân cà phê phần nào đã đỡ khổ hơn trước để có thể tham gia vào việc quyết định thành quả của mình cho dù là sự quyết định chưa hoàn toàn chủ động, nhưng cũng rất dè dặt bán ra khi thấy xu hướng giá còn tăng, chính vì thế cho nên các nhà xuất khẩu đã cảm thấy rất khó mua hàng khi giá bước từng nhịp đi lên.

Ngay tại điểm này chúng ta ước ao Nhà nước chỉ cần có một cú hích nhẹ nhưng theo thiển ý là vô cùng hiệu quả đó là có một khoản ngân sách để giãn thời gian trả nợ cho nông dân với lãi suất ưu đãi, kết hợp với tình hình bên ngoài giá đang tăng, chắc chắn người dân trồng cà phê sẽ có điều kiện hơn để cân nhắc nên bán hay nên giữ.

Đầu tư cho Nông dân thì không lo phải bù lỗ như đối với tạm trữ và sự điều tiết từ Nông dân sẽ hiệu quả hơn bởi theo lẽ tự nhiên của cơ chế thị trường, Brazil là nước cũng có chính sách tùy theo diễn biến của thị trường mà thường có những khoản thời gian giãn nợ cho Nông dân và những cú hích nhẹ này thường tác động ngay lên thị trường thế giới ngay sau khi tuyên bố.

Hãy hình dung từ đây đến tháng 7 năm 2011 là đến vụ thu hoạch của Brazil, trong khoảng thời gian này nếu người mua, những nguồn vốn, những nhà rang xay không chủ động được lượng hàng mua vào thì họ không thể ép giá xuống mức thấp được.

3. Chỉ số bình quân giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới trong thời gian qua cũng tăng lên do lạm phát tăng đã góp phần kéo giá các mặt hàng thức uống như cà phê tăng theo

4. Đồng USD giảm so với đồng EURO, đây là một trong những yếu tố khiến cà phê tăng mạnh nhưng thiếu tính bền vững bởi không ai biết được chính sách của cái nước lớn sẽ điều tiết chính sách như thế nào trong tương lai để tác động lên giá trị đồng tiền của mình.

5. Sự hiện diện của các công ty mua cà phê nước ngoài cũng đã góp phần quan trọng vào việc tác động lên giá thu mua nội địa và giảm khoảng cách từ vườn cà phê của người trồng đến với thị trường thế giới. Người Nông dân thực sự có cơ hội bán giá cao hơn bởi tính hiệu quả trong việc sử dụng đồng vốn của những công ty nước ngoài này, xin đừng quên rằng một số công ty nước ngoài vẫn vay vốn của các ngân hàng của chúng ta.

6. Trong khi giá đang tăng mà liên tục trong những ngày qua những nguồn vốn đều nhảy vào mua điều đó cho thấy có điều gì đó xảy ra đối với sản lượng cho năm tới. Họ mua rồi thì một ngày nào đó cũng phải bán, tại thời điểm các nguồn vốn thanh lý vị thế bán thì giá co khuynh hướng sẽ giảm trong một khoảng thời gian.

Nói tóm lại người trồng cà phê có lý do để vui mừng đối với xu hướng giá hiện nay, mong rằng Nông dân cà phê Việt nam sẽ ngày càng có cơ hội hơn để quyết định thời điểm bán sản phẩm của mình.

Tác giả: Kinh Vu (Giacaphe.com)

Các tin khác

Bản quyền thuộc về PITCO
CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU PETROLIMEX
Địa chỉ: 54-56, Đường Bùi Hữu Nghĩa, Phường 5, Quận 5, TP.HCM
Tel: 028 3838 3400 - Fax: 028 3838 3500
Email: pitco@pitco.com.vn - Web: www.pitco.com.vn
Thiết kế website bởi VCA Technology