Trong sáu tháng qua, tiền đồng Việt Nam đã phá giá hai lần, qua đó làm giảm 12% mức chênh lệch giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá trên thị trường tự do. Ông Nguyễn Văn Bình, phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam nhấn mạnh là tỉ giá tiền đồng Việt Nam được điều chỉnh một cách linh hoạt, dựa trên cung và cầu trên thị trường.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Bloomberg qua điện thoại, ngày 7/5 vừa qua, ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn nhận định là rủi ro về thương mại và thâm hụt cán cân thương mại vẫn tồn tại. Do vậy, việc giảm giá tiền đồng là cần thiết, để thúc đẩy xuất khẩu và ổn định thị trường ngoại tệ Việt Nam.
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đề ra mục tiêu là hạn chế thâm hụt cán cân thương mại ở mức dưới 20% tổng trị giá xuất khẩu. Trong bốn tháng đầu năm nay, thâm hụt cán cân thương mại lên tới 4,65 tỉ đô la, tương đương 23% tổng xuất khẩu.
Trong khi đó, phó thống đốc Nguyễn Văn Bình trấn an rằng cho dù thâm hụt cán cân thương mại còn cao, nhưng nguồn ngoại tệ đổ vào Việt Nam trong năm nay sẽ tăng, đặc biệt nhờ vào du lịch và kiều hối. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư chứng khoán của nước ngoài cũng có những dấu hiệu gia tăng.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Nguyễn Duy Hưng nói rằng việc phá giá tiền đồng sẽ giúp cho chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,5%, tỉ lệ này năm ngoái chỉ là 5,3%.
Trong năm 2009, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã giảm từ 23 tỉ đô la xuống chỉ còn 15 tỷỉ đô la, một phần do Ngân Hàng Trung Ương tung ngoại tệ ra để hỗ trợ đồng tiền quốc gia.
(Nguồn rfi.fr)
Link bản tiếng Anh: http://www.businessweek.com/news/2010-05-10/vietnam-may-devalue-dong-by-4-to-support-exports-ssi-says.html