-
TRANG CHỦ GIẢI THƯỞNG THƯ VIỆN ẢNH LIÊN HỆ
TIN TỨC >> TIN THƯỜNG NHẬT
Ngày đăng: 27/07/2011
Niên Vụ Càphê 2010/2011: Kẻ Khóc Người Cười

Chuyên trang Nông sản xin giới thiệu bài phân tích dưới đây của chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình, nhằm vén lên một phần của bức màn bí mật ấy của thị trường cà phê và lấy khung cảnh thị trường nội địa Việt Nam như bối cảnh cho màn bi hài kịch mua bán cà phê ấy.

  Chưa bao giờ, thị trường cà phê trong nước và thế giới lại tạo cảnh kẻ khóc người cười như trong niên vụ cà phê 2010/2011 này.

Giá lên cũng chết, giá xuống càng chết!

  Tính đến sáng thứ Hai 25/7, giá cà phê robusta nguyên liệu trên các tỉnh Tây Nguyên chòng chành quanh mức từ 45.500 đồng/kg. Mức giá này vẫn được xem là thấp vì cách đây chừng vài tháng, có lúc giá nội địa đạt mức kỷ lục 51.500-52.000 đồng/kg.

  Như vậy, nếu lấy giá đỉnh trong niên vụ 1994/95 là thời gian giá nội địa hưởng lộc nhờ một đợt rét đậm rét hại đã tàn phá nhiều vùng cà phê của Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, bấy giờ giá cà phê robusta nội địa tăng lên mức 40.000 đồng/kg tại Dak Lak tuy chỉ chóng vánh trong vài tiếng đồng hồ, thì giá đỉnh của năm nay tăng cao hơn cách đây 17,18 năm là 12.000 đồng.

  Từ 17, 18 năm nay, niên vụ này là giai đoạn giá robusta nội địa lập được nhiều kỷ lục cao nhất trong lịch sử giá của ngành cà phê Việt Nam. Không như những năm trước, từ tháng 10/2011 đến nay, giá trên các thị trường nội địa và thế giới đi theo hướng tăng dần, một mặt do tồn kho toàn châu Âu giảm mạnh, từ chừng 17 triệu bao (60kg/bao) đôi khi xuống ngấp nghé chừng 10 triệu bao; mặt khác, tranh thủ giá thấp ngay đầu vụ, một số hãng kinh doanh cà phê quốc tế kết hợp với các quỹ đầu cơ tài chính (thường được gọi trong tiếng Anh là hedge funds) đã tung tiền ra mua cấp tập với số lượng lớn tại nước ta, găm hàng chặt tại các kho ngoại quan và kho nội địa của họ để tạo nhu cầu thiếu giả tạo trên thị trường nhằm trục lợi.

  Nhiều năm trước đây, vào thời điểm chính vụ, thường từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau của mỗi vụ, giá cà phê nội địa hay bị đạp xuống thấp do sức ép bán ra từ nông dân và các công ty xuất khẩu vừa cả giá mua bán ngay (outright) vừa cả giá bán dựa trên mức chênh lệch (trừ lùi/differentials).

  Nhớ có lúc đầu thập niên trước, giá cà phê nhân xô nội địa có lúc chỉ còn chừng 3.000-3.500 đồng/kg và giá trừ có khi dưới Liffe đến cả trên 300 đô la/tấn; lúc bấy giờ có người so sánh rằng “giá cà phê còn rẻ hơn cà pháo”.

  Nhiều công ty xuất khẩu cà phê nội địa, tại thời điểm tháng 7 và 8 năm ngoái, do quá nhanh tay đã bán “quá đà” khi giá còn dưới 2.000 đô la/tấn cho những hợp đồng giao xa đến tháng 7 và 8/2011 thì nay phải khóc vì giá cà phê cả trong lẫn ngoài nước đã phóng lên quá cao.

  Như đã nói, giá càng vào vụ càng được, nông dân mỗi lúc bán mỗi nhiều, và đến thời điểm giữa tháng 7 này, tồn kho của niên vụ hiện tại ở các vùng nguyên liệu không còn mấy, chừng 100.000 tấn.

  Theo ông Phạm Quang, người cung cấp dịch vụ thông tin cà phê tại địa chỉ tincaphe.com đóng tại Buôn Ma Thuột, sản lượng niên vụ 2010/2011 nước ta ước đạt chừng 1,2 tiệu tấn.

  Tồn kho đã ít, lại nằm trong tay người khá giả chờ thời chưa muốn bán ra, nên nguyên liệu càng khan hiếm. Chính vì vậy, giá cà phê nội địa nay đã có mức cao hơn giá đóng cửa của thị trường kỳ hạn cà phê (TTKH) robusta Liffe (London International Financial Futures and Options Exchange – Sở Giao dịch Kỳ hạn và Quyền chọn Quốc tế London) .

  Nhớ năm ngoái, có lúc giá FOB cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen bể của Việt Nam chỉ nằm ở mức trừ từ -120/-100 đô la dưới giá TTKH Liffe.

  Để bạn đọc dễ hiểu, xin đưa ra một thí dụ: ta tạm lấy giá đóng cửa robusta Liffe hôm thứ sáu 22/7/2011 cơ sở giao dịch tháng 9/2011 tại mức 2.074 đô la/tấn trừ đi 100 s9ô la thì giá bán bấy giờ chỉ đạt 1.974 đô la/tấn, nay giá nguyên liệu trong nước đang tương đương mức 2.200-2.250 đô la/tấn, mức này cao hơn nhiều so với giá đóng cửa TTKH (xin xem biểu đồ phía dưới).

 

  Giá cà phê nhân xô nội địa (bằng đô la) cao hơn giá đóng cửa Liffe (nguồn: tác giả tổng hợp)

  Thêm vào đó, tín dụng eo hẹp và khó khăn, lãi suất ngân hàng quá cao (chừng 24-26%/năm), một số nhà xuất khẩu hiện còn phải giao xuống tàu các hợp đồng đã ký, không thể huy động đủ hàng để thực hiện cam kết giao hàng. Còn những người vì uy tín, đã phải mua hàng từ kho ngoại quan hay kho riêng của bạn hàng nước ngoài trước đây mình đã bán với giá nghe nói cộng trên TTKH Liffe cả 80 đến 100 đô la cho loại 2, 5% đen bể, tức phải chấp nhận lỗ ba bốn trăm đô la mỗi tấn.

Thị trường bị xoáy vào trục của đầu cơ

 Đáng ra, vào những thời điểm như thế này, khi giá trên các thị trường cà phê đều tăng cao, hàng tồn kho tuy còn ít nhưng vẫn có thể tranh thủ những lúc cao để bán dần và ngành cà phê ắt có một thời điểm thư thái thì ngược lại, thị trường nội địa càng về cuối vụ này càng nặng nề.

  Tin tức dồn dập từ các nơi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ vỡ nợ trong thị trường nội địa càng lúc càng nhiều và càng lớn.

  Yếu tố ấy đã làm mất lòng tin ít nhiều trong lòng nông dân cà phê và đặc biệt tại các bàn tín dụng ở các ngân hàng, một bên nông dân giữ hàng vì e ngại không được thanh toán sòng phẳng, bên kia ngân hàng giữ chặt tiền và tín dụng lại vì sợ rủi ro.

Ngoài ra, các hãng tin nước ngoài còn đăng tin rằng nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam đã không thực hiện giao hàng cho các công ty nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay.

  Thực ra, các vụ bể nợ và xù tiền, xù hàng trong thị trường cà phê hiện nay chỉ là một “giọt nước làm tràn ly”. Trong những năm trước, khi các nhà xuất khẩu chủ lực còn rủng rỉnh tín dụng và thị trường ít bị đầu cơ tài chính nước ngoài dùng tiền thao túng, họ còn chủ động được nguồn hàng bằng cách dùng tiền mua hàng số lượng lớn, và các hợp đồng lớn để khống chế giá cũng như tạo điều kiện cho nhiều lực lượng tham gia gửi hàng (ký gửi cà phê), nhằm dùng lượng hàng ấy để phòng hờ khi “hữu sự”.

  Bên cạnh đó, lượng hàng gửi kho khá lớn từ các lực lượng bên trong và ngoài thị trường cà phê giúp các nhà xuất khẩu và đại lý dùng nó như chân hàng của mình để “ăn nói” với người mua, tuy một mặt nào đó hiện tượng này được hiểu như là cách mà các nhà xuất khẩu và các đại lý tạo điều kiện cho các lực lượng ấy đầu cơ giá cao.

  Một khi đầu cơ tài chính nước ngoài hiểu rõ được cách làm cách nghĩ của mình, họ chỉ ung dung “đánh” từ cánh “chân hàng”, dùng nhiều chiêu tung cao hạ thấp giá trên TTKH robusta Liffe để làm bất ổn tình hình tài chính của các nhà xuất khẩu nội địa, đồng thời, nếu tiện, đẩy các nhà xuất khẩu xuống vực sâu của “bể nợ”.

  Do đó, ta thấy, từ ba bốn năm nay, giá TTKH chao đảo liên tục, có hôm giá giao động đến 200-300 đô la/tấn, hay chỉ cách đây mấy hôm, vào ngày 21/7, TTKH Liffe giao động trong khung 2.145-2.002, tức 143 đô la/tấn chỉ trong một phiên giao dịch.

Đầu cơ “ăn cả”

  Nếu như các nhà xuất khẩu tại Việt Nam và một số nước sản xuất khó khăn bao nhiêu, thì đầu cơ tài chính xuyên quốc gia càng ăn mừng chiến thắng bấy nhiêu. Chọc được yếu điểm của các nước sản xuất, đặc biệt trong thời điểm khó khăn về tín dụng và lãi suất ngân hàng cao, các nhà xuất khẩu rất cần tiền và phải đảo hàng nhanh, một số hãng kinh doanh cà phê quốc tế đã nhẹ nhàng chuẩn bị và bắt tay với các quỹ đầu cơ tài chính lớn để “bắt mẻ cá” lớn. Việc này, họ không thàng công mới lạ!

  Tranh thủ khi giá mua xuống tính trên giá chênh lệch với giá chuẩn giao dịch trên TTKH Liffe, như đã nói với mức -120/-100 đô la /tấn FOB cho loại 2,5%, họ đã tung cả tỉ đô la Mỹ ra mua hàng cà phê nhân, ém hàng lại tại các kho. Đợi thời cơ chín muồi về thị trường, siết kỹ hàng không bán ra, đẩy giá TTKH lên với các động tác của một tay tạo thị trường (market maker), chuyển một lượng hàng cực lớn sang Liffe để kiểm tra chất lượng nhằm nhận giấy xác nhận chất lượng của TTKH (certified stocks) hòng muốn bán lúc nào thì bán với giá có lãi cao hơn ít nhất bốn đến năm lần so với giá mua tại các nước xuất khẩu.

  Biểu đồ lượng tồn kho được Liffe công nhận chất lượng tiếp tục tăng

 Tính đến nay, số lượng tồn kho này đã đạt mức kỷ lục trong lịch sử số lượng hàng tồn kho của riêng TTKH Liffe. Theo báo cáo mới nhất của TTKH Liffe, tính đến hết tháng 6/2011, tồn kho cà phê robusta có giấy xác nhận của Liffe đạt mức 417.420 tấn (tức 6,957 triệu bao), tăng gần gấp đôi cách đây một năm. Được biết, tồn kho của Liffe là một phần của báo cáo tồn kho của toàn châu Âu.

 Với số lượng trên, hàng từ Việt Nam đi chiếm từ 60-70%, tức chừng 270.000 tấn. Theo cách nghĩ thông thường, tồn kho là hàng chưa được hay sẽ được sử dụng trong sản xuất. Nhưng với tồn kho có giấy xác nhận của TTKH như trường hợp của TTKH cà phê robusta Liffe, khi đã tập hợp một lượng lớn đủ, thường người chủ hàng dùng nó để làm công cụ để “vặn giá” (squeeze prices) khi lên thật cao, khi xuống thật thấp trên chính TTKH họ đang găm hàng đó trong những ngày giao dịch của TTKH và chuyển đảo liên tục theo năm tháng.

  Khi đã khuynh loát giá được rồi, với các công cụ và chiến thuật “đánh thị trường’ (market makers), người nắm lượng hàng này sẽ tạo những thời điểm thiếu hàng giả tạo, siết giá chênh lệch trên thị trường để trở thàng người giữ “cả hai đầu đòn xeo” trên thị trường cả hàng thực (vật chất – physicals) lẫn hàng giấy (paper market – TTKH).

Thị trường chao đảo và đầy cạm bẫy

  Theo Bloomberg, hãng kinh doanh tin nổi tiếng có trụ sở tại Mỹ, chuyện đáng lo là với lượng hàng tồn kho “khủng” như thế, tuyệt đại bộ phận lại nằm trong tay một công ty! Như thế, khả năng thao túng thị trường càng khủng khiếp. Chính vì vậy mà Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nhiều lần cảnh báo với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng hãy làm tất cả để hạn chế nạn đầu cơ tài chính dùng hàng hóa trên các TTKH để trục lợi và nâng giá thực phẩm gây khó khăn cho những người làm công ăn lương…

  Vì thế mà ta thấy từ nhiều tháng nay, giá cà phê trên các TTKH robusta tại London và arabica tại New York chao đảo liên tục và thực sự đã gây khó khăn cùng cực cho nhiều nhà xuất nhập khẩu chân chính và trung thực.

  Với lượng hàng tồn kho đó nằm trong tay, chủ của nó sẽ sử dụng để lèo lái thị trường cà phê hiện nay và sắp tới. Như vậy, thị trường cà phê cả nội lẫn ngoại sẽ vẫn chưa yên và kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê vẫn còn quá nhiều cạm bẫy và đầy hố tử thần trước mắt.

  Đã từ ba, bốn niên vụ nay, nhiều nhà xuất khẩu và đại lý cà phê đã ra đi trong tức tưởi. Rất đáng tiếc, nhưng sự ra đi của họ cũng chính là tiếng chuông “báo tử” cho cách làm, cách nghĩ cũ của thị trường cà phê nội địa lẫn xuất khẩu.

  Hơn bao giờ hết, thị trường cà phê nước ta đang cần nhìn lại mình và yêu cầu chuyển mình thành chuyên nghiệp thực thụ trở nên ngày càng bức thiết.

                                                                                          Theo Nguyễn Quang Bình

                                                                                                  Nguồn TBKTSG

Các tin khác
Giá tiêu xô lên 110.000 đồng/kg vì nhu cầu mạnh (15/07/2011)
Khan hiếm đẩy giá cà phê nước ta lên cao hơn 200 USD/tấn so với giá thế giới (14/07/2011)
Nhiều container cao su xuất khẩu bị rút ruột (12/07/2011)
Giá cà phê lao dốc sau 1 tuần đi ngang (12/07/2011)
Xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng bằng cả năm 2010 (12/07/2011)
Thông báo tuyển dụng lao động (08/07/2011)
Công ty TNHH MTV Sơn Petrolimex tham dự hội nghị “Hợp tác cùng phát triển” (05/07/2011)
Công ty TNHH MTV Sơn Petrolimex “Vì sự nghiệp phát triển doanh nhân Việt Nam” (05/07/2011)
Petrolimex Paints – Công ty Việt, tên tuổi lớn (05/07/2011)
Ô.Trần Ngọc Châu-TGĐ Cty TNHH MTV Sơn Petrolimex: Luôn nghĩ đến sức khỏe & an toàn cho mọi người (05/07/2011)

Bản quyền thuộc về PITCO
CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU PETROLIMEX
Địa chỉ: 54-56, Đường Bùi Hữu Nghĩa, Phường 5, Quận 5, TP.HCM
Tel: 028 3838 3400 - Fax: 028 3838 3500
Email: pitco@pitco.com.vn - Web: www.pitco.com.vn
Thiết kế website bởi VCA Technology